Đăng nhập thành viên

Thăm dò

Bạn thuộc độ tuổi nào?

13 tuổi - 17 tuổi.

18 tuổi - 24 tuổi.

25 tuổi - 30 tuổi.

30 tuổi - 50 tuổi.

Trên 50 tuổi

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 57


Hôm nayHôm nay : 3702

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 285610

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22253821

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức tổng hợp

Nơi tôi ở, một thung nắng vàng

Thứ ba - 29/07/2014 10:34
Nơi tôi ở, một thung nắng vàng
Bà nội kể lại, tôi cất tiếng chào đời vào một chiều mùa thu có nắng vàng còn vương trên đồi chè của nội. Bà nội bảo: các anh chị trong nhà sinh vào buổi tối, có lúc gần về sáng. Riêng tôi lại chọn lúc chào đời vào buổi xế chiều.
           
                                                                         Phong cảnh Hồ Bình Sơn - Hương Khê

           Buổi sáng hôm đó, mẹ tôi bằng linh cảm của tình mẫu tử Người đã nói với cha chuẩn bị mọi thứ để đón con chào đời. Khi mẹ mang bầu nhìn dáng đi của con dâu nội đã dự đoán cái bào thai trong bụng là một thằng cu. Bố tôi mừng lắm. Từ sáng tinh mơ, bố đã lên con nước đầu nguồn ngăn dòng chảy vào hồ cá để rút nước, bắt cá chuẩn bị đón thành viên mới của gia đình. Nước ao quá sâu mà hồ quá rộng nên gần cả ngày bố tôi mới vây đuổi được đàn cá vào cái ao con để bắt dần mỗi khi cần đến. Xả ao vừa xong, bố đang tắm thì mẹ tôi giục bà nội rải chiếu lót dường. Là người đã lão luyện trong việc làm bà đỡ nhưng nội vẫn không ngờ ca sinh nhanh đến vậy. Nghe nội gọi, bố chạy vào đến cửa buồng thì tôi đã cất tiếng chào đời. Bà nội nhanh tay lấy dao cắt rốn rồi ủ cháu vào tấm khăn mỏng. Sinh con xong, mẹ kêu khát nước. Luống cuống không biết làm gì bố lấy ngay một múi bưởi Phúc Trạch đút cho mẹ tôi ăn. Bà nội thấy chỉ biết chặc lưỡi: Người đẻ ăn bưởi sớm là lạnh bụng đấy! Bố tôi chống chế: Cho mẹ cháu ăn bưởi để sữa thằng cụ ngọt hơn bà à! Chẳng biết nói gì nữa, cả nội tôi và bố cười trừ. Tiếng cười của cha hòa cùng tiếng khóc con thơ. Mấy người chị nãy giờ trổ mắt nhìn em cũng bật cười làm tôi càng khóc to hơn. Nội bảo: thằng cu miệng to quá, chắc mai sau lớn lên nó làm cán bộ tuyên truyền đây!
 
           Sinh ra trong một buổi chiều vàng, lớn lên trong cái nắng mật ong của thung lũng quê nhà, tôi và những đứa trẻ nơi đây tóc vàng hoe vì sém nắng. Nhưng thật lạ, dù dầm nắng bao nhiêu thì những đứa trẻ da dẻ hồng hào, mắt đen lay láy. Có lần tôi đưa thắc mắc của mình hỏi bố. Bố tôi bảo: Quê mình dù nắng rất gắt, người quê ta phơi nắng phơi sương cả ngày nhưng vùng đất này có nguồn nước rất sắc. Dòng nước mát ngọt. Hoa quả thơm ngon bốn mùa. Những người vùng khác đến đây, mấy bữa đầu họ ăn rất nhiều cơm nhưng cũng thường kêu đói bởi nước đầu nguồn sắc ngọt. Trong nguồn nước có nhiều chất làm mát da rất đặc biệt. Vì thế người quê tôi da trắng tóc dài dù phải dầm sương dãi nắng.
            Tuổi thơ tôi lớn lên cùng với dòng suối đầu nguồn, bãi sim trên đồi nhiều hơn là đến trường. Ngày đó lũ trẻ quê tôi chỉ đến trường vào buổi sáng. Mỗi sớm mai thức dậy, chúng tôi đến trường làng học đến 10 giờ 30 phút là được về. Buổi trưa đám trẻ rủ nhau vào rừng vào suối hái sim, bắt cá, đốn củi hay giăng bẫy bắt chim. Mùa đông đi lấy rễ hương nhu cho người già trong làng làm hương chuẩn bị đón tết hay đi giăng bẩy bắt thú rừng cùng các cụ già trong làng. Ngày ấy chúng tôi chưa phải đi học thêm buổi chiều rồi buổi tối như học trò bây giờ. Trong đầu toàn những chuyện cá chim ngô nướng sắn lùi.
Mỗi mùa một thú vui riêng. Ngày đó lũ trẻ cũng chẳng có ý niệm về ngủ trưa, nghỉ trưa như bây giờ. Đi học về, ăn cơm xong cả xóm cả làng tiếng trẻ kêu nhau ý ới vào rừng đốn củi, bắt tôm, ra sông ra suối bắt hến mò trai. Dưới cái nắng như thiêu như đốt nhưng không mấy ai đội nón. Đầu trần chân đất, thi thoảng mấy đứa con gái bẻ vội cành lá tro che đầu. Cả đàn cả lũ kéo nhau vào rừng vào suối. Lũ lượt kéo nhau đi giữa lúc đúng Ngọ nhưng chẳng có đứa trẻ nào cảm gió hay say nắng gì hết.
            Đến con nước đầu nguồn cả lũ đu người trên cành cây đa rồi thả rơi tự do tới lúc chân chạm đáy vực mới ngoi lên. Đùa nghịch, vấy nước dìm nhau cho thỏa thuê mới lên bờ kiếm trái rừng ăn đỡ đói hay theo dõi hướng bay về tổ của đàn ong rừng men theo lấy mật. Cảm giác tìm được một tổ ông nặng mật hay bắt được một chú tôm hùm, con cá bống trong đám rễ cây rì rì, dưới tảng đá sâu bao giờ cũng là những cảm giác sung sướng nhất, hạnh phúc nhất của đám trẻ chăn trâu. Hụp lặn nhiều đến nỗi mỗi lần lên bờ là da nhăn nheo như da người già, mắt đứa nào cũng đỏ hoe. Và cũng nhờ thế mà hai hàm răng nước suối tẩy trắng tinh. Cả mùa hè sôi động và rực rỡ nắng vàng, chúng tôi chưa một lần ngó ngàng đến sách vở.
            Mùa thu tới, đám trẻ phải đến trường học. Sự học chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong chuỗi sự kiện đi học của chúng tôi. Từ nhà đến trường, từ trường về nhà có biết bao câu chuyện. Mỗi độ thu về tôi lại nhớ hương thơm vườn ổi chín của ông Cao gần trường. Vườn ổi Đào tỏa hương ngào ngạt trong sương mai. Khi sương dày chưa tỏ mặt người, lũ trẻ chúng tôi đã ngồi vắt vẻo trên những cành ổi sai quả trĩu cành. Ông Cao là người làng khác nhưng rất ưu ái cho đám trẻ xóm Trại bởi trâu bò ruộng nương của ông đều chăn thả, canh tác trong vùng đất chúng tôi. Được cả nhà ông ưu ái, niềm nở nên bọn trẻ làng tôi cũng rất biết điều, sẵn sàng bảo vệ hoa màu và đàn gia súc của nhà ông gửi trong làng. Mùa thu về nắng vàng rực cả thung. Bưởi Phúc Trạch chín rộ khắp vườn. Với tôi, thứ ngon nhất, nhớ lâu nhất không phải là những múi bưởi có tép chín mọng và thơm lừng, mát ngọt đến tận lưỡi mà là thứ tro được đốt từ vỏ bưởi phơi sương có heo may làm khô rồi đốt lên. Sau khi nấu một nồi cháo bằng gạo lúa Bát lúa Cu, nội tôi đã trộn thứ tro bưởi vào làm dẫy lên một mùi thơm kì lạ. Thìa cháo mới đưa lên miệng nhưng hương thơm của thứ gạo đặc sản hòa với tinh dầu bưởi PhúcTrạch làm dậy lên một mùi hương quyễn rũ, một vị béo ngậy rất riêng. Nội tôi có thói quen nấu cháo vỏ bưởi cho cả nhà ăn mỗi độ trở mùa. Nội bảo: Tiết trời từ thu sang đông có rất nhiều khí độc, ăn thứ cháo vỏ bưởi vào vừa giải nhiệt vừa khứ gió độc rất tốt. Nhờ thức ngon bổ của trời ban nên dù thời tiết rất khắc nghiệt nhưng nhiều trẻ em và người già quê tôi chẳng mấy khi phải dùng thuốc tây y để trị mấy thứ bệnh trở mùa.
           Mùa thu cũng là mùa rất đáng nhớ của đám trẻ chăn trâu. Chúng tôi thường được dân đi rừng kiêng nể. Không biết tự bao giờ người đi rừng, làm rẫy rất quý các chú mục đồng. Họ quan niệm ma quỷ trong rừng chỉ sợ trẻ mục đồng. Mỗi độ thu về khi con suối tràn bờ nước lũ, nhiều vực sâu nước bạc màu chảy xiết, những người đẵn gỗ từ đại ngàn về phải nhờ những đứa mục đồng dẫn đàn trâu kéo gỗ bơi qua sông. Họ nghĩ nếu không có các chú mục đồng thì ma dưới đáy vực sẽ dìm chết những con trâu kéo của người thợ rừng. Những gia đình làm rẫy bao giờ cũng chọn ngày Chủ nhật để cúng cơm nếp mới. Họ chọn ngày nghỉ của lũ trẻ để chúng tôi tham dự đầy đủ cả ngày cùng với gia chủ. Những lễ nghi thật đặc biệt, những bài cúng ma rừng dài lê thê và vô cùng huyền bí linh thiêng. Trong lời khẩn của vị già làng làm chủ lễ nhắc tới rất nhiều loại người bất hạnh đã phải bỏ mạng chốn rừng thiêng như ma voi dày hổ vồ, ma rơi cây đắm suối, ma sốt rét...đủ các loài ma mỗi loài một cảnh éo le. Sau buổi cúng ma, gia chủ bao giờ cũng rất niềm nở, hào phóng. Mọi người quan niệm, bữa cúng cơm nếp mới nếu có càng nhiều người tham dự thì năm đó sức khỏe người nhà sẽ dồi dào, động vật chăn thả trong rừng sinh sôi nẩy nở, mùa màng tốt tươi, mọi tai ương bệnh tật biến mất. Và đám mục đồng sẽ là những chứng nhân chứng giám cho tấm lòng thành của gia chủ. Về mùa cúng cơm nếp mới đứa trẻ nào cũng ngoan hơn, bởi chúng tôi là sử giả của núi rừng mà! Cha mẹ biết tục lệ ấy nên cũng rất vui, sẵn lòng cho đám trẻ tham gia từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về. Những ngày tháng đó, việc học quả là việc nhỏ, rất nhỏ đối với chúng tôi!
            Mùa đông tới, các cụ già trong làng kiếm củi sưởi ấm. Lũ trẻ chúng tôi đưa giây dù, giây cáp vào rừng đánh bẫy bắt thú, đơm gà rừng. Mỗi khi mùa về, đàn gà rừng chia cận, mỗi đàn có một chú gà trống làm thủ lĩnh cai quản một vùng. Hôm nào có kẻ lạ mặt lấn sang vùng đất của đàn thì chú gà thủ lĩnh có nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ và che chở đàn gà mái. Những cuộc chiến bảo vệ mỹ nhân của mấy chú gà trống là những cuộc chiến hấp dẫn, li kì. Những cú song phi bay mào, chọc thủng mề đối thủ là những cú đòn ác liệt nhất. Bạn thử tưởng tượng một thủ lĩnh oai phong nhưng mất đi cái mào đỏ chót kiêu hãnh hay bị đau bao tử  thì còn đâu phong độ nữa. Lãnh thổ vì thế sẽ bị kẻ lạ mặt đô hộ và đàn gà mái cũng sẽ bị thuần phục trước chủ nhân mới có những cú song cước độc hiểm kia. Đám trẻ chăn trâu chúng tôi mê say những buổi chọi gà quên cả ngày giờ. Có nhiều bữa xem gà chọi nhau từ xế chiều đến lúc ra về sương giăng đầy thung nhưng lòng còn ấm ức bởi “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”.
            Những ngày mùa đông lạnh giá là những ngày bếp lửa của trẻ mục đồng không bao giờ tắt. Lửa được đốt lên để nướng tôm cá, nướng ngô hay nướng thịt rừng. Mùa đông trâu bò thường ngược lên vùng núi cao để ăn măng rừng hay lá cây và tránh rét dưới thung. Chúng thường thải ra hàng đống phân theo dọc lối đi. Lũ trẻ chỉ có một việc là giăng bẫy hai đầu đống phân bò. Ngày hôm sau vào thăm bao giờ cũng treo chân một chú gà rừng hay một chú chim Dạt Dạt. Chúng là loài ăn giun đất nên thường đi bới tung các đống phân bò để kiếm mồi nên cài bẫy vào những nơi có phân trâu phân bò thế nào các chú cũng bị vướng ngay.
             Những năm mùa đông rét đậm, lòng suối cạn nước, những loài cá ngày thường sống ở những con thác hay đáy vực nay ngoi đầu lên mặt nước để thở. Chúng bơi theo từng đàn, mỗi ngày một đông hơn. Các cụ già trong làng dẫn đám thanh niên lên ngàn đào rễ cây Khay rồi xuống nơi đầu suối lấy đá đánh dập rễ thả xuống nước. Ngửi thấy mùi rễ loài cây này cá thường bị say và bật bụng trắng toát cả con suối dài. Đến lúc đó dân làng chỉ việc ra vớt mang về đốt lửa lên nướng cá thơm lừng cả xóm trại.
             Nhưng dù thú rừng có dễ săn, cá có nhiều bao nhiêu nhưng đến tháng đóng cửa rừng mọi thành viên trong cộng đồng phải tuân thủ một quy định bất di bất dịch là quãng thời gian trước và sau tết âm lịch một tháng mọi nhà không một ai được đánh bắt thú rừng, không được đánh cá hay đẵn cây rừng. Người quê tôi tin có ma rừng, có thần núi cai quản và ban phát mọi điều. Sống với thiên nhiên phải biết ứng xử hài hòa. Điều cấm kị là không được thái quá trong lời nói đến cách ứng xử với núi rừng. Quy luật có cho có nhận, biết đủ biết đầy được người đời trước dặn người đời sau, trở thành một nét văn hóa ứng xử của người trong thung trong núi.
             Ngày tôi vào Đại học cũng là một ngày nắng vàng cả thung. Tiễn con qua dốc Truông Bồng bố tôi dặn dò con đi ra cố học thật tốt để mọi người yên tâm, tự hào. Buổi đầu nhập học, thầy chủ nhiệm khoa đã ấn tượng với một cu cậu dáng người dong dỏng cao, tóc đỏ hoe và miệng hay cười. Đến chiều sau khi làm thủ tục nhập học xong, thầy gọi vào phòng làm việc. Qua mấy câu chuyện xã giao thầy phân công tôi làm cán bộ lớp. Khóa học năm đó, khoa Ngữ văn trường Đại học Vinh có một anh chàng cán bộ lớp tóc đỏ hoe, da trắng tinh. Đúng là rất hợp mốt người thành phố! Và mái tóc đặc trưng của người miền núi đã mang lại cho tôi vô vàn điều may. Có lúc tôi tự hỏi, phải chăng mình là nhân vật sổ đỏ! Vâng, mái tóc đỏ hoe của người miền núi luôn mang may mắn đến cho tôi. Ngày về thành phố dự thi giáo viên giỏi, vừa bước chân vào lớp học sinh đã ồ lên: Thầy tóc đỏ, thầy hotboy! Không việc gì phải ngượng, tôi tự dặn mình và tự biết lại một lần nữa mình gặp may. Học sinh yêu quý mái tóc đặc biệt của thầy và đã ủng hộ thầy hết mình. Lần đó tôi đậu thủ khoa với tiết dạy có điểm cao tuyệt đối. Học trò đòi thầy khao. Thầy gật đầu đồng ý. Một học sinh nữ đứng dậy xin phỏng vấn thầy: Thưa thầy, thầy cho chúng em bí quyết để có được mái tóc đẹp rất riêng vậy ạ? Tôi kiêu hãnh nói đọc lên: Vâng thưa các em, nơi tôi ở một thung đầy nắng.
            Tôi rất tự hào về những gì mảnh đất quê tôi, mảnh đất Hương Khê đầy gió Lào và nắng vàng đã cho tôi. Mảnh đất đã sinh ra những dòng suối mát, những hương hoa cau hoa bưởi ngạt ngào mỗi độ mùa về. Tôi yêu mảnh đất này và hứa với lòng mình mãi mãi thủy chung với con người mảnh đất quê tôi. Dẫu trong đời đã có một đôi lần cấp trên muốn điều tôi về công tác thành phố. Đi sao đặng mỗi sáng mai thức dậy, nơi tôi ở một thung đầy nắng.
                                                    
                                                                                                                                Thầy giáo, Thạc sỹ Phan Quốc Thanh
                                                                                                                          Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: cất tiếng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
SEX ONLINE, JAV ONLINE, SEX ONLINE| PORN ONLINE| JAV HD ONLINE|, Kho ga me lam, Tin tuc game, lien minh huyen thoai, fifa online,