Hà Nội: Kinh hoàng màn rượt đuổi, đâm chém giữa phố; hai bộ lại “chỏi” nhau về xăng dầu; truy sát kinh hoàng trước Công viên 23-9 làm 2 người chết; nhà báo Hoàng Khương: 'Tôi đã tác nghiệp sai'; nước lũ bao vây miền Trung; choáng váng với hoạt động tín dụng “đen” trong trại tù; đắm tàu tại Thổ Nhĩ Kỳ, 58 người thiệt mạng... là những tin tức đáng chú ý trong sáng ngày hôm nay.
Hà Nội: Kinh hoàng màn rượt đuổi, đâm chém giữa phố
Tại khu vực chợ Phùng Khoang (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa diễn ra 1 vụ rượt đuổi, truy sát giữa hai thanh niên trên phố.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 20h tối nay, ngày 6/9. Theo người dân gần hiện trường, hai thanh niên một đi xe SH (chưa rõ BKS) và một đi xe Wave màu xanh (không có BKS) rượt nhau theo hướng từ Ngã Tư Sở xuống Hà Đông. Đến khu vực trước cổng chợ Phùng Khoang, hai người này dừng lại và chém nhau.
 |
Nơi xảy ra vụ truy sát kinh hoàng khiến một người tử vong, một người nguy kịch. |
Hậu quả, thanh niên đi xe SH đã tử vong ngay tại chỗ, còn thanh niên đi xe Wave bị thương nặng ở khu vực đầu, cổ và đã được đưa đi cấp cứu.
Hiện, cơ quan công an đã nhập cuộc và xử lý vụ việc.
(Nguồn Giáo dục Việt Nam)
Hai bộ lại “chỏi” nhau về xăng dầu
Điều này cho thấy công tác quản lý hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập.
Ngay khi Tổng cục Hải quan công bố danh sách doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về tạm nhập tái xuất, chiếm dụng vốn thông qua nợ thuế, cả DN và Bộ Công Thương đều đã có phản ứng.
Theo Bộ Tài chính, số lượng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất của 13 DN đầu mối trong năm 2011 là 580.000 tấn, của 6 tháng đầu năm 2012 là 544.900 tấn. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng vì không quy định tạm nhập lô hàng nào phải tái xuất chính lô hàng đấy nên các DN tạm nhập nhưng không tái xuất để trốn thuế. Ví dụ tại thời điểm này, DN tạm nhập xăng dầu thì thuế suất là 12% nhưng do chưa thanh khoản các lô hàng trước ở thời điểm thuế suất bằng 0% hoặc 5% nên khi chuyển lượng xăng dầu chưa tái xuất sang tiêu thụ nội địa sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất giữa 12% (lô hàng thực nhập) và thuế suất 0% hoặc 5%, tức là trốn thuế 12% hoặc 7%. Vì vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nếu cho tạm nhập tái xuất xăng dầu thì phải còn nguyên tàu, nguyên chủng loại, phải được kẹp chì, được giám sát về kỹ thuật thì mới cho xuất.
Tuy nhiên, với chức năng quản lý thị trường, Bộ Công Thương lại công bố số liệu cho thấy lượng xăng dầu chưa tái xuất không đến mức “khủng” như số liệu của Bộ Tài chính. Theo đó, trong năm 2011, lượng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất của 13 DN thấp hơn nhiều so với con số 580.000 tấn mà Bộ Tài chính công bố. Còn 6 tháng đầu năm, chỉ có 310.000 tấn so với 544.900 tấn mà Bộ Tài chính đưa ra. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định trong số này có một lượng lớn là hàng đang trong giai đoạn chờ tái xuất nên không phải toàn bộ số lượng vênh nhau giữa tạm nhập tái xuất là chuyển bán nội địa. Ông Tú cũng cho rằng không loại trừ khả năng DN lợi dụng chính sách để hưởng lợi về thuế nhưng không thể nói DN trốn thuế thông qua số liệu công bố nợ thuế của Tổng cục Hải quan.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng dù sao thì những công bố của Tổng cục Hải quan cũng đã cảnh báo tình trạng gian lận thương mại nguy hiểm. Vì bằng cách trốn thuế, lách thuế, DN xăng dầu tạo lợi thế bất bình đẳng trong kinh doanh. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này, lợi nhuận sẽ chảy vào túi DN, có hại cho ngân sách, thị trường thì bị phá hoại. Từ trước đến nay, dư luận vẫn nghi ngờ về tính công khai, minh bạch của các DN xăng dầu và thực trạng này cho thấy mối quan ngại đó là có cơ sở.
Ngoài ra, việc 2 cơ quan quản lý xăng dầu là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương một lần nữa “chỏi” nhau về số liệu cho thấy công tác quản lý hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập.
(Nguồn Giáo dục Việt Nam)
Truy sát kinh hoàng trước Công viên 23-9 làm 2 người chết
- Lúc 11 giờ ngày 6-9, trước số nhà 174 Lê Lai, đối diện công viên 23-9 (phường Bến Thành, quận 1 - TPHCM) đã xảy ra vụ ẩu đả làm 2 người chết, 2 người bị thương.
Hiện trường vụ truy sát
Thông tin ban đầu, Lâm Trí (SN 1988, ngụ quận 1) và Nguyễn Hoàn Phúc (SN 1987, ngụ quận 1) có quen biết với nhau từ trước. Phúc nhờ Trí giới thiệu cầm xe máy. Tuy nhiên, khi Phúc chuộc xe ra thì phát hiện một số phụ tùng bị tráo nên phản ứng rồi 2 người cãi nhau.
Trưa 6-9, Trí chở vợ là Hồ Thị Ngọc Huyền (SN 1991) trên chiếc xe tay ga mang biển số 62P1-134.50 lưu thông trên đường Lê Lai hướng ra chợ Bến Thành.
Đến trước số nhà trên thì bị Phúc và anh trai Nguyễn Hoàn Vũ (SN 1986) đi trên xe máy đuổi theo, ép vào lề.
Lúc này, hai bên xảy ra cự cãi. Lập tức, Phúc rút dao Thái Lan trong người ra đâm Trí. Thấy chồng bị tấn công, chị Huyền lao ra can ngăn và bị Phúc đâm gục tại chỗ.
Trí thấy vậy liền giật con dao và đâm nhiều nhát vào người Phúc khiến người này gục ngã. Trí đâm với theo Vũ làm Vũ bị thương nhẹ.
Ngay sau đó, Phúc và vợ chồng Trí được đưa đến Bệnh viện Sài Gòn cấp cứu. Tuy nhiên, Phúc và Huyền được xác định đã tử vong. Trí bị hôn mê đang được điều trị tích cực.
Con dao, hung khí gây án
Tại hiện trường, chiếc xe tay ga do Trí điều khiển nằm ngã bên lề đường. Con dao Thái Lan cán nhựa màu vàng dài khoảng 20 cm dùng làm hung khí gây án cũng được tịch thu. Vũ đang bị công an tạm giữ để điều tra.
Được biết, vợ chồng Trí cưới nhau được khoảng 4 tháng, hiện đang sống và làm việc tại Bình Dương. Hôm nay, vợ chồng chở nhau xuống TPHCM làm giấy đăng ký kết hôn thì xảy ra vụ việc.
(Nguồn Người lao động)
Nhà báo Hoàng Khương: 'Tôi đã tác nghiệp sai'
Trả lời tòa trong phiên xử ngày 6/9, nhà báo Hoàng Khương thừa nhận hành vi đưa tiền cho trung úy CSGT để giải cứu xe vi phạm là "đã sai và vượt quá quy trình tác nghiệp", song không vì động cơ cá nhân.
Phiên xét xử Nguyễn Văn Khương (Hoàng Khương - phóng viên báo Tuổi Trẻ) và các đồng phạm diễn ra cả ngày, đến 15h bị cáo Khương mới bị thẩm vấn. Theo cơ quan công tố, "xuất phát từ lợi ích cá nhân, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí", Hoàng Khương đã cùng với đồng phạm "thực hiện hành vi đưa hối lộ" để giải cứu xe vi phạm trái với quy định của pháp luật.
Trình bày quan điểm về bản cáo trạng truy tố mình, bị cáo Khương cho rằng cơ quan tố tụng đã nối ráp các sự kiện và thời gian không đúng, nên đánh giá sai động cơ. "Việc làm của bị cáo chỉ nhằm mục đích tác nghiệp, thực hiện loạt bài theo yêu cầu của ban biên tập chứ không phải vì động cơ cá nhân", bị cáo Khương nói.
 |
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên. |
Ông Khương cho rằng, đã quen Tôn Thất Hòa trong vụ tai nạn giao thông ngày 23/6/2011. Lúc này Thất Hòa đang đứng ra nhờ Huỳnh Minh Đức (nguyên thượng úy đội CSGT quận Bình Thạnh) giúp lấy chiếc xe đầu kéo của Trần Anh Tuấn bị tạm giữ trong vụ tai nạn. Biết được thông tin này, ông Khương xin đi theo Thất Hòa để gặp Đức và đặt vấn đề nhờ lấy luôn chiếc xe đi "bão" của Trần Minh Hòa là bạn của Đông Anh (em vợ Khương).
Ngày 25/6/2011, sau khi hẹn Đức ra quán nhậu, Thất Hòa giới thiệu Khương là Hùng (tài xế của Hòa) và đặt vấn đề giải cứu chiếc xe đua. Sau khi thỏa thuận mức phí là 15 triệu đồng và được trung úy CSGT đồng ý, Khương gọi điện nhờ người xe ôm mang tiền và biên bản xử phạt đến. Số tiền này là do Trần Minh Hòa đưa cho Đông Anh, sau đó Đông Anh đưa lại cho Khương.
Giải thích về hành vi đưa tiền cho Đức, bị cáo Khương cho biết đó là nhằm mục đích xem cách xử lý xe vi phạm của CSGT như thế nào, có đúng quy trình không để lấy tư liệu viết bài. "Thời điểm đó đang có tệ nạn đua xe diễn ra thường xuyên nên muốn tìm hiểu thêm quy trình trả xe vi phạm", nhà báo cho hay.
Khi được hỏi dù biết CSGT không được đóng phạt thay cho người vi phạm nhưng vẫn đưa tiền cho Đức để nhờ đóng thay là có mục đích gì? Một lần nữa ông Khương khẳng định: "Đó chính là mục đích xuyên suốt của bị cáo trong vụ việc, chỉ vì muốn biết quy trình làm việc của CSGT".
Bị cáo Khương cũng thừa nhận sai sót khi cho rằng, do chạy theo sự kiện thời sự cấp bách nên đã vượt quá quy trình tác nghiệp. Cũng vì tác nghiệp nên khi biết xe của Hòa đang bị giam, Khương đã chủ động gọi điện cho Đông Anh nói với Trần Minh Hòa là sẽ giúp lấy xe "đi bão" ra. Tiếp đó là cùng với Tôn Thất Hòa sắp xếp việc gặp trung úy Đức để nhờ lấy xe.
Tham gia xét hỏi, đại diện Viện KSND cho rằng, hành vi của bị cáo là "vượt quá quyền hạn của một nhà báo". Nhà báo chỉ có quyền đứng ngoài ghi nhận và phản ánh sự việc nhưng trong trường hợp này bị cáo lại trực tiếp tham gia.
Bị cáo Khương thừa nhận do quá dấn thân vào dòng sự kiện thời sự, gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp nên đã vượt quá phạm vi tác nghiệp và không lường hết hậu quả việc mình làm.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, các bị cáo Huỳnh Minh Đức, Tôn Thất Hòa, Trần Minh Hòa và Đông Anh đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Trong đó, trung úy Đức đã nhận 18 triệu đồng từ Hòa và Khương để giải cứu 2 chiếc xe vi phạm của Trần Anh Tuấn và Trần Minh Hòa.
Còn Tôn Thất Hòa, có thừa nhận sau khi Đức đưa xe cho Minh Hòa, nhưng vẫn còn giữ lại giấy tờ, nên đã nhiều lần gọi điện đe dọa Đức là phải trả sớm nếu không sẽ cho lên báo. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng, lời đe dọa trên chỉ là do mình tự nghĩ ra chứ không phải do Hoàng Khương xúi giục.
Ngày mai tòa sẽ tiếp tục làm việc.
(Nguồn Dân trí)
Nước lũ bao vây miền Trung
Sau 4 ngày mưa to, nước lũ trên các sông suối ở miền Trung dâng cao khiến nhiều làng bản, khu dân cư ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị cô lập. Nhiều người chết và bị thương, hoa màu, nhà cửa chìm trong nước.
Nằm ở miền Tây xứ Nghệ, huyện miền núi Tương Dương là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ. Gần một tuần qua, huyện này có mưa to khiến nước từ các khe suối đổ về cô lập nhiều làng bản. Nhiều điểm trường, trụ sở UBND xã Yên Tĩnh cũng bị nước đổ về gây ngập. Hàng trăm hộ dân sống trong các bản làng ở những xã này đang sống trong cảnh ngập lụt.
 |
Quốc lộ 48 bị nước lũ chia cắt. Ảnh: T.L |
Mưa lớn kéo dài cũng khiến quốc lộ 7A, con đường huyết mạch lên miền Tây xứ Nghệ bị sạt lở nhiều đoạn. Từ huyện Con Cuông, Tương Dương lên huyện biên giới Kỳ Sơn có nhiều đoạn lở đất, sạt núi khiến giao thông bị tắc nghẽn.
Tại điểm sạt lở ở Dốc Chó (xã Lạng Khê) hàng trăm xe cộ đang bị mắc kẹt do đất đá đổ ập xuống choán gần hết làn đường. Tại các xã Thạch Giám (huyện Tương Dương), hiện tượng sạt lở núi vẫn tiếp tục diễn ra, xe cộ vẫn bị ách tắc. Ở khu vực bản Cây Me, hiện tượng sạt lở đang uy hiếp cột điện 500KV nằm trên sườn núi.
Ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, những ngày qua huyện phải cử một đội quân thường trực để giải tỏa, thông tuyến quốc lộ ở những đoạn bị sạt lở. Huyện đang di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ở các xã Mai Sơn, Yên Tĩnh đến nơi an toàn.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về cũng khiến các xã vùng hạ lưu sông Lam bị ngập sâu. Tại huyện Thanh Chương, các xã Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Mai đã bị nước lũ cô lập. Nhiều cánh đồng trồng lạc, đậu cũng ngập trong nước.
 |
Hàng trăm hộ dân ở Nghệ An đã bị cô lập vì lũ, thuyền bè là phương tiện đi lại duy nhất. Ảnh: N.K |
Tại huyện Hưng Nguyên, nhiều xóm nằm ngoài đê Tả Lam phải đi lại bằng thuyền vì các con đường quanh xóm đã bị ngập nước. Tại xóm 12 xã Hưng Long, từ mấy ngày nay, người dân đã gói ghém đồ đạc, neo sửa lại nhà cửa để sẵn sàng chạy lũ. Những căn nhà nằm ở mép sông Lam tại xóm đã bị ngập, người dân phải vào làng hoặc lên bờ đê sống tạm.
Tất tả chèo đò chở cậu con trai đến trường, chị Nguyễn Thị Thủy (xã Hưng Long) cho biết, năm nào xóm cũng phải chạy lũ nhưng năm nay lũ về sớm, mưa nhiều hơn mọi năm báo hiệu một mùa mưa lũ lớn bất thường. "Xóm tui chỉ có con đường duy nhất để vào đê nhưng đã bị lũ cuốn, toàn bộ lúa hè thu và hoa màu cũng đã ngập sâu trong nước", chị Thủy thở dài.
Mưa lớn cũng khiến các con đường ở thành phố Vinh bị ngập. Nhiều đường ngập hơn nửa mét như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Đại lộ Lênin... Một số khu dân cư ở phường Hồng Sơn, Vinh Tân bị cô lập vì nước không kịp thoát.
 |
Nhiều ngôi nhà ở ven sông Lam ngập đến gần nóc. Ảnh: N.K. |
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đầu mùa cũng khiến những vùng rốn lũ của huyện Hương Khê, Hương Sơn bị cô lập. Nhiều tuyến đường miền núi ở các huyện này bị sạt lở gây ách tắc kéo dài. Lượng mưa đo được trong đêm 5/9 ở huyện Hương Khê lên tới gần 400 mm. Khoảng 400 nhà dân cùng 1.000 ha lúa, hoa màu bị nước nhấn chìm.
Mưa lũ đầu mùa cũng làm nhiều người chết và bị thương. Sáng 5/9, trên đường đi khai giảng, một học sinh lớp 5 ở Hà Tĩnh bị nước cuốn trôi. Trưa 6/9, ông Trần Ngọc Hanh (53 tuổi, huyện Nghi Xuân) đi bắt cá bị sét đánh chết trên đồng...
Theo dự báo, những ngày tới miền Trung tiếp tục có mưa to đến rất to, nhiều khả năng thủy điện Bản Vẽ sẽ phải xả lũ khiến mực nước vùng hạ lưu Sông Lam dâng cao. Trưa 6/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn gửi các địa phương, ban ngành sớm có biện pháp đề phòng và khắc phục hậu quả mưa lũ.
(Nguồn VnExpress)
Choáng váng với hoạt động tín dụng “đen” trong trại tù
Thiếu tiền tiêu vặt - vay; cần tiền “mua mâm” cũng vay … Đó là những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động tín dụng đen trong các trại tù khá nhộn nhịp.
Tý “con”, một phạm nhân vừa mới mãn án tù 7 năm vì tội trộm cắp xe máy ra điều hiểu biết khi tiếp chuyện với tôi. Tý “con” bảo, nếu không muốn dính vào “chiếc vòng kim cô” nợ nần chồng chất thì tốt hơn hết đừng bao giờ dính vào của “bố thí”, cho dù đó chỉ là một gói mỳ tôm. Bởi hơn ai hết, Tý “con” hiểu hậu quả mà nó để lại vì anh từng là nạn nhân của cái “ngân hàng đen” ma quái ấy.
Anh ta nhớ lại: “Một buổi sáng mình thức dậy, tay trưởng buồng đưa cho một gói mì bảo ăn đi. “Như buồn ngủ gặp chiếu manh” mình xé ra nhai ngấu nghiến….”. Vài ngày sau, bất ngờ tay trưởng buồng sai đàn em kêu Tý “con” lên đòi nợ. Chưa kịp hiểu ra vấn đề, tay trưởng buồng bắt đầu thuyết giáo: “ Ở trong đây không có chuyện gì cho không cả…Mầy đã ăn gói mì của tao thì phải trả nợ…Gói mì mầy ăn 3 hôm trước có giá 50 ngàn đồng. 3 ngày mày chưa trả nên tiền lãi sẽ là 150 ngàn đồng.
Để ngày nào tao tính lãi thêm ngày ấy. Mà này, tại tao thương mày nên không tính phần lãi con đó nhé…Đừng nói với tao là mày không có tiền trả nha, không có cũng phải có...hiểu chưa.”.
Nghe xong, Tý “con” choáng váng nhưng cũng phải bấm bụng gật đầu hẹn đến cuối tháng. Lần ấy, số tiền thăm nuôi của gia đình hơn triệu bạc sau khi đổi phiếu xong đã chui tọt vào túi tay trưởng buồng chỉ vì một…gói mì.
 |
Nhiều gia đình phạm nhân khánh kiệt từ nạn tín dụng đen trong tù. Ảnh minh họa |
Ở trong trại, được biên chế vào “mâm trên” thì coi như sống khỏe. Tuy nhiên, để được mâm nhất hoặc mâm nhị thì phải thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện cơ bản nhất. Hoặc phải là người có “số má” trong giới giang hồ, còn nếu không thì phải mua bằng tiền.
Trước thắc mắc của tôi về chia mâm trong trại, Tý “con” giải thích thêm: “ Mâm nhất dành cho trưởng buồng và đám thuộc hạ thân tín nhất, tất cả các món ngon từ bên ngoài gửi vào đều được “đổ” vào đây. Còn mâm nhị dành cho những người ít số má hơn, tù nhân có tiền, mâm thứ ba và những mâm thấp hơn nữa (tùy số lượng người nhiều ít mà số mâm cũng theo đó tăng lên) dành cho tù “mồ côi” (tù không có người thăm nuôi) hoặc những phạm nhân trộm vặt, hiếp dâm…
Trở lại với chuyện “tín dụng đen” trong trại, nhiều phạm nhân vì muốn được xếp vào mâm 2 để được ăn sung sướng sẵn sàng vay “nóng” để mua mâm. S, một trong số những bạn tù của Tý “con” là một trong những người như vậy. Vốn là một “thiếu gia” nên khi mới vào trại S. không quen ăn uống kham khổ. Sau được một “chiến hữu” gợi ý nên S quyết vay “nóng” 5 triệu để “mua mâm”.
Do quy định của trại mỗi lần không được gửi quá nhiều tiền vào nên S đành phải vay phiếu (quy định của các trại giam tiền người nhà gửi vào phải đổi ra phiếu) của một “đầu gấu” trong phòng để đặt cọc cho trưởng buồng. S chua chát nhớ lại: “ Chỉ vay có 5 triệu vậy mà trong vòng một tháng người nhà của em đã “đứt” gần hơn 50 triệu để trả cho gia đình của tay “đầu gấu” ấy”. Tôi hỏi nếu không trả đủ thì sao?. Tý “con” bĩu môi: “ Từ “xù nợ” không tồn tại trong trại giam…sẽ bị “no đòn” nếu ai dám cả gan làm điều ấy…”.
Kẻ giàu to, người “ho” ra máu
Theo chân Tý “con” tôi ghé thăm một người mà anh ta kính cẩn gọi là anh Hai ở Thủ Đức. Trái với suy nghĩ “nhà của người mới ra tù sập xệ”, nhà của anh Hai khá hoành tráng. Thấy tôi ngắm nghía căn nhà đầy ngưỡng mộ, anh Hai tỏ ra khiêm tốn: “ Cũng nhờ con vợ anh nó giỏi giang, biết gom chỗ này, ráp chỗ kia chứ anh thân tù tội thì lấy đâu ra mà xây nhà cao cửa rộng như thế này hả chú…”.
Vừa đưa tay lấy chai rượu ngoại ra tiếp khách, anh Hai vừa cho biết trước đây anh làm bốc xếp ở chợ đầu mối Thủ Đức. Trong một lần bênh vực người bạn làm chung, anh “lỡ tay” đâm một người bị trọng thương (theo Tý “con”, đây chính là tiền đề để anh Hai tạo dựng “số má” trong tù). Sau gần chục năm trong trại, vừa về đến nhà anh cũng hơi “bất ngờ” trước cơ ngơi do người vợ gầy dựng nên. Một người hàng xóm của anh mà tôi gặp ở đầu hẻm cho biết thêm, hồi anh ta mới đi tù gia đình cũng khó khăn lắm.
Tuy nhiên, chỉ được khoảng 3 năm sau thì gia đình bất ngờ khá lên. Khi có người hỏi thăm, lúc thì chị vợ bảo trúng số, lúc lại nói nhà bán đất chia cho. Những tay “nhà báo hẻm” thì quả quyết cô này là “gái bao”, lúc thì “chắc như đinh đóng cột” rằng cô này buôn …”ma túy”. Nghe cuộc trò chuyện của tôi với mấy người hàng xóm, Tý “con” cười xòa: “ Tất cả là nhờ “tín dụng đen” trong trại mà ra cả đấy…”.
Đến lúc này Tý “con” tiết lộ sự thật rằng người “bán” cho anh gói mì 1 triệu đồng chính là …anh Hai.
Tý “con” bảo, ở trong trại nếu ai có nhu cầu anh Hai đều cho vay cả. Thậm chí một số người có con bệnh con đau cần tiền gấp đều được anh cho vay tất. Tài sản “thế chấp” chính là… bản thân phạm nhân. Sau khi đã giao kèo xong, thông qua các “đệ tử”, anh Hai sẽ tìm cách thông tin ra ngoài cho vợ… Vậy là một giao dịch “đen” với lãi suất cao ngất ngưỡng thành công. Và tất nhiên, lãi suất hàng tháng cũng được chị vợ này trực tiếp thu… còn vốn thì sau khi ra tù những người này trả sau. Theo ước tính của Tý “con”, trong khoảng thời gian thụ án, lò “tín dụng đen” trong trại đã mang về cho anh Hai tiền tỉ…
Nếu như những “đại bàng” ngày càng giàu sụ thì gia đình của những tù nhân ngày càng kiệt quệ. Bà T, mẹ của một phạm nhân đang thụ án nói như mếu: “ Không biết trong đó nó vay làm gì, bao nhiêu mà hàng tháng gia đình phải gồng lưng ra trả nợ cho nó. Khốn khó như tui mà mỗi tháng phải trả thêm gần 1 triệu đồng tiền lãi thì rõ ràng là quá sức…”. Đã nhiều lần bà định “xù” nhưng nghe con than là sẽ bị đánh nếu không đóng lãi nên bà phải cố gắng…
Một số phạm nhân không chịu được sức ép nên có những hành động liều lĩnh để kiếm tiền trả nợ. Đơn cử là trường hợp của phạm nhân Nguyễn Giang Trung (1983, trú thôn 5, xã Quảng Ngãi, H. Cát Tiên, Lâm Đồng), người đang chấp hành án phạt 7 năm tù giam về tội cướp tài sản vừa mới xảy ra tại trại giam Đại Bình. Theo đó, khoảng 10 giờ 50 ngày 17/8, tại phòng lưu ký và trực điện thoại của Trại giam Đại Bình trong khi phát lưu ký cho phạm nhân, một nữ cán bộ bị Trung túm áo, dùng dao tự chế khống chế, kéo vào phòng làm việc ra yêu sách được …về nhà.
Sau khi bị khống chế, tên Trung khai nhận nguyên nhân khiến y ra tay là do cần tiền để trả nợ… bạn tù. Và trường hợp này chính là đỉnh điểm của bi kịch “tín dụng đen” trong trại tù…
(Nguồn Giáo dục Việt Nam)
Đắm tàu tại Thổ Nhĩ Kỳ, 58 người thiệt mạng
Một tàu chở hơn 100 người tị nạn, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã bị đắm ở ngoài khơi bờ biển Aegean, phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, làm ít nhất 58 người thiệt mạng. Nguyên nhân tai nạn là do tàu đâm phải các vỉa đá ngầm gần bờ.
Thi thể một bé gái vừa được nhân viên cứu hộ đưa lên từ dưới nước.
Khu vực xảy ra tai nạn gần thị trấn Ahmetbeyli của tỉnh Izmir.
Thống đốc tỉnh Izmir, ông Ardahan Totuk, cho biết khi bị tai nạn, trên tàu chở khoảng 104 người đang tìm cách nhập cư vào châu Âu. Trong số này chỉ có 46 người sống sót nhờ bơi được vào bờ.
"Có tổng cộng 46 người đã sống sót vì bơi được vào bờ. Phần lớn là người Iraq và Syria. Những người này thoát nạn vì họ biết bơi và vì địa điểm xảy ra tai nạn chỉ cách bờ khoảng 50m", hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Trong số những người thoát nạn có cả thuyền trưởng và trợ lý của ông ta. Tuy nhiên, cả hai người đều đã bị cảnh sát bắt giữ ngay khi đặt chân lên bờ.
Lực lượng cứu hộ cho biết trong số 58 người thiệt mạng, mới chỉ có 43 thi thể được đưa vào bờ, còn lại 15 thi thể vẫn đang mắc kẹt trong khoang hàng của con tàu.
Với vị trí nằm ở điểm giao cắt giữa châu Á và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành cửa ngỏ của những người muốn di dân tới lục địa già.
Hiện nước này cũng đang tiếp nhận khoảng 800.000 người Syria đến tị nạn kể từ khi làn sóng bạo loạn bùng nổ ở quốc gia Trung Đông này cách đây 18 tháng.
(Nguồn Dân trí)