Đang truy cập :
60
Hôm nay :
19343
Tháng hiện tại
: 537240
Tổng lượt truy cập : 20002086
Tin đồn cay nghiệt sau tai nạn thảm khốc trên cầu Sêrêpốk
Hơn 49 ngày sau vụ tai nạn kinh hoàng, nhiều người không gọi cầu Sêrêpốk là cầu 14 như trước mà họ gọi bằng tên "cầu 34" bởi nó gắn với con số 34 hành khách tử nạn.
Trên chuyến xe buýt Ban Mê Thuột – Gia Nghĩa ngày 12/7 qua cầu Sê Rê Pôk, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của mấy hành khách. Họ nói “Vụ tai nạn làm chết 34 người hồi giữa tháng 5 vừa rồi, nhiều người tham gia cứu nạn đã vớ bẫm nhờ hôi của, nghe đâu có hành khách bị mất cả tỉ bạc”.
![]() |
Cầu Sê Rê Pôk hôm nay |
Ngay chiều hôm ấy tôi bắt xe quay ngược trở lại cầu Sê Rê Pôk để tìm hiểu thực hư câu chuyện.
Cả nhà cứu hộ…
Tại vị trí chiếc xe gặp nạn, hàng lan can cầu đã được thay mới, trên mép cầu vẫn còn những nén hương cháy dở và vô số chân hương, một tấm bảng gỗ sơn dòng chữ đỏ “Cấm thắp nhang trên cầu để bảo đảm giao thông”. Dưới chân cầu, dấu ấn vụ tai nạn kinh hoàng vẫn còn hiện diện, hàng chục bát hương nằm dải rác, những đôi dép nhựa nam, nữ vứt dọc ngang… đến vô số đồng tiền lẻ mà người qua đường thả xuống, hàng ngàn mảnh kính xe vỡ vẫn chưa được dọn sạch.
![]() |
Những bát nhang của người qua đường tưởng nhớ những người xấu số |
Cách hiện trường chưa đầy 50m là ngôi nhà xập xệ, rộng hai chục mét vuông của người tham gia cứu nạn đầu tiên vụ thảm họa cầu Sê Rê Pôk - ông Lê Văn Hiệu, 51 tuổi, người quê gốc Thanh Hóa, vào lập nghiệp tại thôn 6 xã Hòa Phú, Ban Mê Thuột đã gần 30 năm.
Nhắc lại vụ tai nạn, khuôn mặt ông Hiệu chùng xuống. Ông kể: khoảng 22h đêm hôm đó, nhà ông tắt điện đi ngủ, chừng 15 – 20 phút sau ông nghe tiếng chó sủa, nằm ở giường ngoài nên ông mở cửa chạy ra sân xem có chuyện gì.
Đoán chuyện chẳng lành, ông và con trai Lê Văn Tuấn vội chạy lên mặt cầu, thấy một đoạn lan can cầu bị gãy sập. Khi nhìn xuống mép sông, ông hoảng hồn thấy chiếc xe khách nằm lật ngửa. Lúc này tiếng kêu khóc vang lên, anh Tuấn vội lao xuống mép sông và cứu được cháu bé chừng 5 tuổi đang chới với trên dòng nước (sau này gia đình mới biết đó là cháu Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) con gái của tài xế Lê Công Bằng và vợ là Trần Thị Thanh Trúc).
Bà Vũ Thị Quý (vợ ông Hiệu) lúc này cũng vừa chạy đến, sau khi định thần vội vã loan tin để những người xung quanh tham gia cứu hộ. Bà Quý về nhà gom củi, đốt một đống lửa to ngay trước sân để lấy ánh sáng phục vụ cứu hộ.
Chưa dừng lại, bà Quý còn mang dao, cuốc xẻng ra phát quang quanh khu vực chiếc xe bị nạn, mở một con đường từ mé sông lên mặt cầu để việc vận chuyển nạn nhân được dễ dàng hơn.
Có lẽ ít ai biết ngày hôm đó bà bị bệnh nặng, chẳng thiết ăn uống gì, vậy mà trước tình cảnh tang thương, như có nguồn sức mạnh vô hình giúp bà làm được những điều tưởng như không thể.
Cả đêm hôm ấy gia đình ông Hiệu cùng bà con hàng xóm thức trắng tham gia cứu nạn. Nhiều người được đưa ra khỏi xe, nhiều nạn nhân được đưa đi cấp cứu, nhưng cũng nhiều xác người nằm la liệt… Hình ảnh vụ tai nạn đã ám ảnh tâm trí các thành viên trong gia đình ông Hiệu suốt một thời gian dài. Ông Hiệu chỉ đau đáu một điều, khi cả nhà ông quên mình cứu người trong hoạn nạn, thì miệng lưỡi thế gian đã nói những điều thị phi, khiến họ không khỏi chạnh lòng.
Chết điếng với miệng lưỡi thế gian!
Ông Hiệu bức xúc: “Không biết từ đâu, người ta đồn thổi lên là những người tham gia cứu nạn đã kiếm chác được hàng tỉ đồng từ chiếc xe bị nạn. Rồi họ cũng tự nghĩ ra là nhà tôi kiếm được bao nhiêu, nhà ông Tú Uyên kiếm được bao nhiêu…làm chúng tôi thật sự bất bình”.
Ông Hiệu cho biết, nhà ông Tú Uyên vốn mở quán cà phê võng bên kia bờ sông; ông cũng là người đầu tiên, tích cực tham gia cứu nạn. Thấy việc cứu hộ quá khó khăn, 3-4 người mới khiêng nổi một người lên mặt đường, ông hô hào mọi người về quán nhà mình tháo tất cả các võng, chặt tre làm đòn khiêng… Chính nhờ những chiếc cáng này mà công tác cứu nạn đã thuận tiện hơn rất nhiều.
“Lúc đó chúng tôi chỉ tập trung làm sao cứu được thật nhiều người, có tâm trí đâu mà hôi của ! Anh không biết chứ trong đêm hôm ấy, gia đình tôi còn bị kẻ xấu lợi dụng lúc hỗn loạn vào lấy mất con gà chọi to của cháu nó, thế mà…”, ông Hiệu chua chát nói.
![]() |
Chỉ mong sao miệng lưỡi người đời đừng thêu dệt thị phi, để ông Hiệu, bà Quý, ông Tú Uyên và nhiều người khác, khi ra tay cứu người hoạn nạn không còn phải bận tâm, đắn đo những chuyện về sau, để cho lòng tốt chẳng thể bị xói mòn. |
Đang dở câu chuyện thì bà Vũ Thị Quý, vợ ông Hiệu được người con rể chở đi khám bệnh về đến nhà. Gặp bà, tôi hỏi: “Từ cái đêm kinh hoàng đó, cô có thấy biểu hiện gì khác lạ ở bờ sông không?”.
Người phụ nữ cứu nạn thẳng thắn: “Mọi thứ chỉ là lời đồn và thêu dệt thôi anh ạ! Gia đình tôi không vụ lợi từ việc cứu người, nên chẳng sợ sệt, ngại ngùng gì, kể cả tin đồn rợn người là linh hồn về đòi của hàng đêm”.
Sống ở chân cầu hơn 20 năm, đây không phải là lần đầu vợ chồng bà Quý cứu người. Đã có hàng chục lần ông bà cứu người chết đuối hay người có ý định nhảy xuống sông tự vẫn. Gần đây nhất, sau khi xảy ra vụ tai nạn hơn một tháng, có cô gái trẻ ở TP Ban Mê Thuột do buồn chán chuyện gia đình đã tìm đến đây tự vẫn. Nghe tiếng la của mọi người, ông Hiệu vội vàng bơi xuồng ra cứu, lôi được cô gái vào bờ, sau đó lựa lời phân tích cho cô gái điều hay lẽ phải… lúc đấy cô gái khóc nghẹn và hứa sẽ không bao giờ làm điều dại dột nữa.
Lần khác chỉ vì muốn kéo một thanh niên đang lao mình xuống dòng nước siết, bà Quý đã bị anh này dùng cùi trỏ đánh sứt cả môi, cuối cùng nhờ có người giúp sức của ông Hiệu, chàng thanh niên kia cũng được đưa vào bờ.
Chỉ cho tôi chiếc thuyền tôn nhỏ xíu, mục nát, chi chít vết vá bằng nhựa đường, xếp ngược lên gốc cây cạnh bờ sông ,bà Quý tâm sự: “Chiếc thuyền tuy bé nhưng được sử dụng để cứu hàng chục người rồi đấy! Thuyền bé lại bị thủng, nên mỗi lần qua sông phải một tay chèo thuyền, một tay tát nước. Cứ mỗi lần nghe tiếng kêu cứu, không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, như phản xạ chồng tôi lại bơi thuyền lao vào dòng nước siết. Chúng tôi mong có được một chiếc thuyền máy chắc chắn hơn, để khi có người bị nạn, cứu hộ được nhanh hơn, lúc đó sẽ ít người phải bỏ mạng nơi dòng sông này”.
Hôm nhà chùa và gia đình các nạn nhân làm lễ cầu siêu, bà Quý gặp mẹ vợ nạn nhân Lê Công Bằng hỏi nhỏ: “Cháu và những người tham gia cứu nạn đang rất khổ tâm khi nghe mọi người bảo, vợ chồng anh Bằng hôm đó đi thăm con học đại học ở Sài Gòn, mang theo một va li đựng gần 100 triệu đồng, nay số tiền đó đã bị mất, chuyện đó có không hả bác?”. Mẹ vợ anh Bằng vừa lau nước mắt vừa kể: “Gia đình con tôi lấy đâu ra số tiền lớn như thế? Hai vợ chồng nó vừa xây được ngôi nhà nhỏ trên đất của ông bà ngoại cho, để có tiền xây nhà chúng nó đã phải bán đi chiếc xe riêng, rồi thằng Bằng xin vào chạy xe thuê cho HTX vận tải Quyết Thắng, hôm bị nạn trong túi con rể tôi có tổng cộng 7,5 triệu đồng, công an đã bàn giao đủ cho gia đình rồi".
Mới đây, con trai của anh Bằng đang học ở Sài Gòn được nghỉ hè, cháu về thăm gia đình ông Hiệu và xin được nhận ông bà làm cha mẹ nuôi, nhận Tuấn làm anh em kết nghĩa…
Mới gặp một lần, nhưng tôi ấn tượng mãi về sự lam lũ, vất vả; cách nói chuyện cởi mở, chân tình của những người trong gia đình ông Hiệu. Tôi tin họ là những người tốt. Chỉ mong sao miệng lưỡi người đời đừng thêu dệt thị phi, để ông Hiệu, bà Quý, ông Tú Uyên và nhiều người khác, khi ra tay cứu người hoạn nạn không còn phải bận tâm, đắn đo những chuyện về sau, để cho lòng tốt chẳng thể bị xói mòn.
Nguồn Vietnamnet
Thiếu nữ bị cướp hãm hại tại nhà
Đối tượng sau khi ra tay cướp tài sản, còn giở trò đồi bại đối với nạn nhân.
Chị V.T.H (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) khi đi lên gác nhà mình để ngủ thì bất ngờ bị một thanh niên núp sẵn trong nhà dùng hung khí khống chế, sau đó trói tay, chân, rồi cướp đi hơn 900 nghìn đồng và 1 điện thoại di động. Đối tượng này còn giở trò đồi bại với chị H. ngay tại nhà, rồi tẩu thoát.
Nhận được tin trình báo, Công an quận Hải Châu đã tổ chức khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai người bị hại, đồng thời, phối hợp với các đội nghiệp vụ, công an các phường trên địa bàn tiến hành xác minh, sàng lọc đối tượng.
![]() |
Đối tượng Hoàng Mạnh Trung tại cơ quan Công an |
Đến khoảng 16h30 ngày 17/7, lực lượng Công an quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Hoàng Mạnh Trung (SN 1982, trú phường 7, quận Tân Bình, TP. HCM) đang tạm trú tại một khách sạn ở Đà Nẵng.
Tại cơ quan Công an, Hoàng Mạnh Trung đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Vụ việc hiện đang được cơ quan Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
(nguồn Zing)
Hai chị em thoát chết dưới gầm container
Tối 18/7, người chị chạy xe máy chở em gái 13 tuổi trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP HCM) bị xe đầu kéo container đột ngột rẽ phải, cuốn vào gầm.
![]() |
Chiếc container đang rẽ vào bãi thì cuốn xe máy vào gầm. Ảnh: An Nhơn. |
Khoảng 20h30, chị Lý Mai Khánh (22 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) lái xe máy chở em gái Lý Phạm Thúy Vy (13 tuổi) chạy trên xa lộ Hà Nội, hướng từ cầu Sài Gòn về ngã tư Thủ Đức.
Khi qua đoạn phường Phước Long A (quận 9), một xe đầu kéo container đột ngột ôm cua rẽ vào bãi, cuốn cả hai chị em và xe máy vào gầm. Chiếc xe này tiếp tục chạy thêm gần chục mét mới dừng lại. Xe máy nằm chổng ngược dưới gầm, nát vụn phần đầu.
Nhiều người chứng kiến la ó, tỏ vẻ kinh hãi thì bất ngờ hai chị em Khánh ôm nhau lăn từ trong gầm xe ra, chỉ bị xây xát nhẹ. Tuy nhiên do quá hoảng sợ, cô chị ngất xỉu.
![]() |
Xe máy bị cuốn nằm dưới gầm xe container. Ảnh: An Nhơn. |
Tài xế container đã rời khỏi hiện trường sau tai nạn. Cảnh sát giao thông quận 9 đã có mặt lập biên bản, xử lý.
(nguồn Vnexpress)
Lâm Đồng: Ăn bánh mì, 22 người ngộ độc
Bác sĩ Nguyễn Thị Khang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng cho biết, trong ngày 17.7 đã tiếp nhận 22 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc do ăn bánh mì.
Đến sáng 18.7 đã có 5 bệnh nhân đã xuất viện, các trường hợp còn lại sức khỏe diễn biến khá tốt.
Các bệnh nhân đã ăn bánh mì của một cửa hàng gần chợ Đức Trọng trước đó 1-2 ngày, sau khi ăn thì xuất hiện tình trạng đau bụng, tiêu chảy. Nhiều người tự mua thuốc uống hoặc đến phòng khám điều trị nhưng không khỏi.
Nguyễn Giang (nguồn Dân Việt)
Bắt thêm 7 người trong đường dây 1000 bánh heroin
Như Thanh Niên đã đưa tin, sau một thời gian xác lập chuyên án, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phá án, bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây, thu giữ 89 bánh heroin, 113.600 viên ma túy tổng hợp, 1 kg dạng ma túy đá... Đồng thời, thu thập đủ căn cứ pháp lý đề nghị truy tố các bị can về hành vi mua bán, vận chuyển 1.038 bánh heroin, 20.000 viên ma túy tổng hợp và 25 kg ma túy đá trong thời gian từ 2007 đến nay.
(nguồn Thanh Niên)
Khép lại vụ đánh cờ bạc tỷ: 40 tỷ về đâu?
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người quan tâm đến số tiền và hiện vật như nhà, đất được cấu trừ trong vụ án mà các bị cáo dùng thủ đoạn để có được xử lý như thế nào?
Theo cáo trạng, các bị cáo chính tham gia chơi cờ tướng ăn tiền với số tiền lớn là Nguyễn Thanh Lèo, thường gọi là Sáu Lèo (nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng), Trần Văn Tân (nguyên Giám đốc Trung tâm sát hạch lái xe loại 3, tỉnh Sóc Trăng) và Đinh Văn Mười (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Thành ủy, thành phố Sóc Trăng).
Từ cuối năm 2008, Sáu Lèo đã rủ rê và chơi cờ với Tân với mức độ ăn thua từ vài triệu đồng mỗi ván sau tăng dần lên vài chục triệu, vài trăm triệu đến tiền tỷ mỗi ván, ván cao nhất được hô lên tới 5 tỷ đồng.
Các bị cáo nghe tuyên án (Ảnh: Người lao động)
Đến khi bị bắt ngày 22/12/2011, Sáu Lèo đã thua Tân tổng cộng gần 40 tỷ đồng, trong đó đã trả 1,3 tỷ đồng tiền mặt; 6 lượng vàng 24 K; 6 thửa đất trị giá 16,1 tỷ đồng, ngoài ra còn thiếu Tân 20,131 tỷ đồng. Do thua nợ nhiều quá nên Tân đã phải “nhờ” đến 2 cha con Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thanh Truyền để đòi nợ.
Còn với bị cáo Đinh Văn Mười, Lèo cũng là người rủ rê, từ đánh ăn 5-10 tờ vé số ban đầu đến đánh tiền ăn mỗi ván hai trăm triệu đồng. Theo bị cáo Lèo thì Lèo đã trả cho Mười 1,1 tỷ đồng, trong bị cáo Ngô Huệ Phấn, người bán vé số (tội gá bạc) lấy trực tiếp 440 triệu đồng tiền vé số thua cờ với Mười.
Ngoài tuyên án bị cáo Lèo 5 năm tù về tội "đánh bạc," bị cáo Tân 17 năm 6 tháng tù về 2 tội "đánh bạc" và "cưỡng đoạt tài sản", bị cáo Mười 4 năm tù về tội "đánh bạc", Ngô Huệ Phấn 2 năm tù về tội "gá bạc," Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thanh truyền cùng 12 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản," Tòa án sử sơ thẩm cũng đã đề nghị xử lý những tài sản, tiền bạc liên quan đến vụ án như sau: Bị cáo Tân thu lợi bất chính số tiền 1,3 tỷ đồng và 6 lượng vàng 24 K, Tòa buộc bị cáo giao nộp để sung vào công quỹ theo quy định.
Bị cáo Nguyễn Thanh Truyền thu lợi bất chính 90 triệu đồng từ tiền lãi và được bị cáo Tân cho, đề nghị nộp lại để sung vào công quỹ. Bị cáo Mười thu lợi bất chính 440,5 triệu đồng từ Lèo và bị cáo Phấn thu 400 triệu đồng từ tiền bất chính, thu nợ cho Mười, được Mười cho cùng bị đề nghị thu hồi sung vào công quỹ.
Người thân của các bị cáo ngất xỉu khi rời phòng xử án (Ảnh: Người lao động)
Còn hai căn nhà của bị cáo Lèo trên đường Sương Nguyệt Anh, phường 2, thành phố Sóc Trăng, bị cáo Tân đã lấy để trừ nợ cờ bạc cùng được đề nghị sung vào công quỹ. Đối với thửa đất tại đường Mạc Đĩnh Chi, phường 4, thành phố Sóc Trăng do Sáu lèo mượn của cha là ông Nguyễn Văn Rẫy (do ông Rẫy đứng tên) để giao cho Tân trừ 3,2 tỷ đồng tiền nợ thua cờ; thửa đất số 221 có diện tích 706 m2 ở đường Dương Kỳ Hiệp, thành phố Sóc Trăng của bà Nguyễn Thị Thảo (em gái Lèo), đồng ý ký tên cho bị cáo Lèo mượn và Lèo đã lấy trừ nợ cờ cho Tân 2,4 tỷ đồng và thửa đất số 163, tờ bản đồ số 4 có diện tích 465 m2 tại đường Lý Thường Kiệt, thành phố Sóc Trăng do ông Dương Văn Dũng (bạn Lèo) đã đồng ý ký tên cho Lèo mượn và Lèo cũng đã giao cho bị cáo Tân để trừ nợ 1 tỷ đồng.
Bị cáo Tân đã lấy ba thửa đất này để thực hiện hợp đồng mua bán với người khác, nhưng do cả 3 chủ thửa đất này đều là người thân quen của Lèo nên đã đồng ý ký tên cho Lèo mượn để làm ăn, hoàn toàn không biết để trừ nợ cờ bạc nên Tòa tuyên hủy bỏ những hợp đồng mua bán và bị cáo Tân phải giao trả lại giấy tờ cho chủ của ba thửa đất này hoặc tiền do đã bán cho người khác. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến ba thửa đất này nếu có yêu cầu thì khởi kiện đòi lại tiền đối với bị cáo Tân ở một vụ án khác.
Với ba thửa đất khác đã được thế chấp ở ngân hàng nhưng bị cáo Lèo đã lấy giấy photo để giao cho bị cáo Tân trừ nợ thua cờ với số tiền 9,5 tỷ đồng, Tòa đề nghị giải tỏa, kê biên trả về cho ngân hàng. Riêng số tiền nợ trên 20 tỷ đồng mà Lèo còn thiếu bị cáo Tân, thực chất chỉ giao dịch bằng miệng, giấy tờ viết tay nên Tòa đề nghị không xem xét.
(nguồn TTXVN)
'Chiêu' móc tiền mới từ ATM tại Việt Nam
Sau khi rút gần hết số tiền đăng ký tại ATM, kẻ gian đột ngột dừng giao dịch, làm cho máy bị sập để báo giao dịch không thành công, sau đó khiếu nại rằng máy trục trặc.
Tại Hội thảo "Nhìn lại 1 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" do Bộ Công Thương phối hợp với VCCI tổ chức sáng 18/7 ở Hà Nội, ông Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cảnh báo về một thủ thuật chiếm dụng tiền của ngân hàng tại cây ATM mới xuất hiện tại Việt Nam.
"Sau khi rút gần hết số tiền đăng ký rút tại ATM, chỉ để lại vài tờ, kẻ gian sẽ đột ngột dừng giao dịch, làm cho máy bị sập để báo giao dịch không thành công, sau đó khiếu nại rằng máy ATM trục trặc. Hiện các ngân hàng đã lắp đủ loại camera nhằm kiểm soát các rủi ro nhưng giờ có lẽ phải lắp thêm camera để soi chính xác xem khách hàng rút bao nhiêu tờ, mệnh giá bao nhiêu thì mới có thể cãi lại được khách hàng gian lận", ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, thủ thuật gian lận nêu trên khá phổ biến ở Ấn Độ và giờ mới xuất hiện tại Việt Nam.
Nguồn Ictnews
Triều Tiên có tân Tổng Tham mưu Trưởng
Triều Tiên vừa bổ nhiệm tân Phó Nguyên soái Hyon Yong-Chol làm Tổng Tham mưu Trưởng của quân đội 1,2 triệu người.
Ba ngày trước, Bình Nhưỡng bổ nhiệm ông làm Phó Nguyên soái Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) sau khi bãi nhiệm tất cả các chức danh của Phó Nguyên soái Ri Young-Ho với lý do bệnh tật.
Khi đó, giới quan sát đánh giá việc Triều Tiên bổ nhiệm ông Hyon Yong-Chol làm Phó Nguyên soái KPA là một động thái "bất thường".
Giáo sư Yang Moo-Jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho biết, ông Hyon là một người bí ẩn và có rất ít thông tin về ông. Người ta cho rằng ông sinh ra trong một gia đình từng sát cánh với lãnh tụ Kim Nhật Thành chiến đấu chống đế quốc Nhật.
Tháng 9/2010, ông Hyon được thăng hàm tướng vào cùng với 5 nhân vật khác trong đó có nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un và dì của ông này, bà Kim Kyong-Hui và trở thành ủy viên ban chấp hành trung ương gồm 120 người. Tuy nhiên, ông lại không nằm trong hàng ngũ "ủy ban quân đội" dưới sự lãnh đạo của tướng trẻ Kim Jong-un.
![]() |
Ông Hyon Yong-Chol (ngoài cùng bên phải) cùng với 2 cha con Kim Jong-il (ngoài cùng bên trái) và Kim Jong-un ) |
Ông Hyon Yong-Chol trở thành 1 trong 4 phó nguyên soái của Triều Tiên. 3 người khác là Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên Choe Ryong-Hae, Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Kim Jong-Gak và Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Yong-Chun.
Hôm qua, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un được phong làm Nguyên soái của Quân đội Triều Tiên. Hãng tin Reuters nhận định, đây là động thái hoàn tất việc nắm giữ quyền lực về nhà nước và quân đội của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, người được bầu làm lãnh đạo tối cao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 13/4/2012 sau cái chết đột ngột của cha ông.
Nguồn tin: HL - theo TM
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn