Đang truy cập :
69
Hôm nay :
4804
Tháng hiện tại
: 476593
Tổng lượt truy cập : 19941439
Bàng hoàng vợ bị chồng xích, đánh chết
Vì nghi vợ lấy tiền theo trai, gã chồng hờ dùng sợi dây sắt xích vợ vào chân giường và dùng thắt lưng đánh vợ gây chấn thương nặng, sau đó tử vong tại bệnh viện. Khi biết vợ đã chết, hắn ta nhẫn tâm vội vàng bỏ trốn. Vụ án gây xôn xao dư luận quận 8, TPHCM.
Vì ghen mà nên nỗi?
Công an phường 16, quận 8 cho biết, vụ việc xảy ra từ lúc 10 giờ sáng 4/9. Chị Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh (tự Bé Hai, 21 tuổi, thường trú đường Lưu Hữu Phước, phường 15, quận 8) lâu nay sống như vợ chồng với Nguyễn Văn Tồn, trú tại phường 10, quận 6.
Họ thuê một căn nhà trọ không số trên đường Phú Định, phường 16, quận 8 khoảng 4 tháng nay, nhưng không khai báo tạm trú. Trước khi tử vong, chị Trinh được Tồn đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa quận 6, tuy nhiên do chấn thương nặng nên chị Trinh tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não nặng và đã tử vong vào lúc 17h10 cùng ngày. Sau đó Tồn bỏ trốn.
Bà N.T.S. (39 tuổi, ngụ đường Phú Định, phường 16, quận 8) - chủ nhà trọ cho biết, vào lúc 10h ngày 4/9, bà vào khu trọ để quét dọn, khi đến phòng của Tồn và Trinh thuê thì thấy tên Tồn dùng sợi xích bằng sắt xích chân của Trinh vào chân giường và dùng sợi dây nịt gấp đôi đánh vào tay, chân và người của Trinh, vì nghi Trinh lấy tiền của Tồn đi theo trai.
Căn nhà trọ ọp ẹp - nơi xảy ra vụ án.
Bà đã vào can ngăn khuyên Tồn không được đánh vợ và Tồn cũng hứa với bà là không đánh nữa. Sau đó bà về nhà, không báo sự việc cho cơ quan chức năng. Đến khoảng 15h30 cùng ngày, chị Đ.T.P. (28 tuổi, ngụ đường Phú Định, phường 16, quận 8) đi lượm ve chai ngang qua phòng trọ của vợ chồng Tồn thì vẫn thấy tên Tồn xích chân chị Trinh và đang dùng sợi dây nịt đánh vào đầu chị Trinh. Chị P. chạy vào can ngăn nhưng Tồn quát lớn rằng ai vào can thì Tồn sẽ càng đánh mạnh hơn. Thấy vậy chị P. cũng đành bỏ đi. Mãi đến khoảng 1610, thấy Tồn chở Trinh bằng xe máy ra khỏi phòng trọ, bà S. đã hỏi với theo thì Tồn nói chở vợ đi khám bệnh.
Sau khi vụ án xảy ra, chúng tôi đã tìm tới căn nhà nơi vợ chồng chị Trinh ở trọ. Quả thật không thể tưởng tượng được đến giờ vẫn còn những căn nhà ọp ẹp như vậy, bốn vách được quây bằng những tấm tôn cũ kỹ, xung quanh là sình lầy, cỏ dại mọc um tùm. Bên trong căn phòng chưa tới 10m2 không có bất cứ vật dụng gì đáng giá, quần áo, vật dụng bị quăng tung toé dưới sàn.
Một số hàng xóm của chị Trinh nhìn chúng tôi e ngại. Một chị tuổi trung niên ở ngay bên phòng trọ của vợ chồng Tồn cho biết hàng ngày hai vợ chồng Tồn đi bán vé số kiếm sống, và cách đây 5-6 tháng vợ chồng Tồn đã sinh được một đứa con trai. Tuy nhiên theo chị này thì Trinh đã giấu chồng đem con đi bán cho người khác nuôi.
Ngoài ra Trinh còn thường lấy tiền dành dụm của hai vợ chồng đi đâu đó mấy ngày, khi hết tiền mới trở về phòng trọ. Trước khi bị Tồn bắt về phòng trọ buổi sáng hôm 4/9 rồi xảy ra vụ việc thì chị Trinh có lấy tiền của chồng đi mấy ngày liền không về. Riêng tên Tồn thì những người xung quanh phòng trọ không ai biết gì về nhân thân hay bất cứ thông tin gì của y.
Bạc ác đến bàng hoàng!
Chúng tôi tiếp tục tìm đến địa chỉ hộ khẩu thường trú tại đường Lưu Hữu Phước, phường 15, quận 8 của chị Trinh - đây là căn nhà ông bà nội chị Trinh đang ở. Gia đình vừa lo xong hậu sự cho chị. Ông Nguyễn Văn Tiền (thường gọi là Kiệt, 53 tuổi) - cha ruột của chị Trinh - tiếp chuyện chúng tôi với tâm trạng đau xót. Ông Tiền nói, chị Trinh là cô con gái duy nhất của vợ chồng ông; ba năm nay do việc làm ăn kinh doanh thất bại, không còn nhà cửa nên vợ chồng ông phải về Bình Dương ăn nhờ ở đậu và buôn bán kiếm sống.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ của ông Tiền. "Con tôi mới được đưa đi sáng nay, giờ nó đang nằm ở lò thiêu Đa Phước, tôi còn chưa lấy hũ cốt về", tiếng khóc của ông như ai oán.
Ba ngày sau cái chết của chị Trinh, chị gái của Tồn đại diện cho gia đình mới lặng lẽ đến thắp nhang cho con gái ông Tiền. Vẫn biết rằng trước pháp luật ai có tội thì người đó phải chịu, nhưng vẫn có điều gì đó khiến ông cảm thấy chua chát và quặn lòng vì hai chữ tình người.
Nguồn Công an Nhân dân
Thâm nhập lò mổ heo chết bệnh
- Hãy coi chừng khi ăn thịt heo quay vì rất có thể xuất xứ từ những lò mổ lậu, chuyên mua và buôn bán heo chết bệnh.
Có những chủ lò chuyên thu mua heo chết, đem về lò sơ chế lại và đưa đi bỏ mối cho các lò heo quay hoặc các tiệm bánh mì, tiệm cơm...
“Của rẻ là của ôi”
Ngày 13/9, chúng tôi tiếp cận điểm tập kết heo chết của ông Phương (34 tuổi, tại ấp Phúc Nhạc 1, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Đây là điểm chuyên mua heo chết ở các trang trại với giá cực rẻ, chỉ khoảng 8.000 đồng/kg. Khoảng 16g, người làm tại lò ông Phương tấp nập chuyển hàng chục con heo chết vào khu giết mổ. Người làm của ông Phương cũng hối hả chạy xe máy đi gom heo chết.
Giẫm đạp lên heo chết tại một lò mổ ở Đồng Nai - Ảnh: Anh Thoa
Khu vực mổ heo chết này rộng hơn 100m2, ngổn ngang rác thải, phân heo, ruồi nhặng bu đen đặc. Giữa lối đi nhoe nhoét nước thải có hàng loạt đầu heo nằm lăn lóc giữa nền ximăng. Heo đã mổ bụng, chặt đầu nằm la liệt giữa nền nhà. Người làm thản nhiên đi dép giẫm đạp lên hết xác heo này đến xác heo khác.
Theo điều tra, mấy năm nay hai vợ chồng ông Phương và bà Hạnh mua heo chết, heo bệnh ở nhiều nơi về sơ chế rồi đem đi bỏ mối. Ông Phương cho biết: “Mối lái ở TP.HCM rất nhiều, mỗi chuyến đi chở 5-8 tạ heo. Ngoài loại heo siêu rẻ, tôi còn có loại heo chết nặng 8-10kg giá chỉ 15.000 đồng/kg, loại 10-20kg bán với giá 22.000 đồng/kg và trên 20kg giá từ 26.000 đồng/kg”. Không chỉ cung cấp heo chết cho các mối lớn ở TP.HCM, heo chết còn được bán cho các thương lái vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe máy.
Tại lò của ông Phương thường xuyên có ba thanh niên làm việc. Một công nhân cho biết: “Có ngày thức đến rạng sáng để làm mà vẫn không kịp. Heo chết mang về quá nhiều”. Nhằm bảo quản thịt heo chết trước khi giao cho mối hàng, ông Phương bố trí bốn thùng xốp lớn để ướp đá. Mỗi thùng đựng khoảng 30 con loại 10-15kg. Ông Phương còn sắm ba chiếc xe tải chuyên vận chuyển heo chết. Ông thường xuyên lái một chiếc để giao cho ba mối hàng lớn ở khu vực cầu vượt Quang Trung, cầu vượt An Sương (Q.12) và Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).
Theo chân một chuyến hàng
Trước đây, vợ chồng ông Phương làm nghề chăn nuôi heo nhưng sau đó ông chuyển sang nghề buôn bán heo chết. Đa số mối hàng của ông Phương đều ở TP.HCM, họ chỉ điện thoại đặt hàng, thỏa thuận giá cả, sau đó ông đích thân đánh xe tải chở hàng giao tận nơi. Ông Phương khẳng định: “Mua hàng ở đây tui lo hết, từ khi nhận hàng đến qua khỏi cầu Đồng Nai, còn đến khu vực trạm 2 (trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM) thì mối hàng phải tự lo lấy”.
Sáng 15/9, ông Phương đánh xe tải 60C-03807 chở 500kg thịt heo nái chết cho mối hàng ở TP.HCM. Xe ông Phương rời nhà và chạy hướng về quốc lộ 1, qua cầu Đồng Nai và “lọt” luôn qua trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức. Ông tiếp tục cho xe chạy thẳng đến cầu vượt An Sương, khi tới Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, xe rẽ vào đường Thới An rồi vào một con hẻm, đậu trước căn nhà nằm giữa cánh đồng (E10/6Q7 ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Chủ căn nhà là ông Tuấn, khoảng 35 tuổi. Tại đây, hai bên lần lượt cân hàng, vợ ông Tuấn vừa ghi sổ vừa hối thúc: “Hàng này nhớt nhợt không à, mang ướp đi, làm không kịp là nó hư luôn”.
Theo tìm hiểu, ông Tuấn là mối hàng lấy thịt heo chết thường xuyên của ông Phương. Mỗi lần lấy hàng từ 300-400kg, mỗi ngày bỏ mối trên 100kg thịt heo quay cho các mối tại chợ Vĩnh Lộc A, tiệm bánh mì, tiệm cơm... Ông Tuấn có lò tự quay thịt heo trực tiếp tại nhà, vợ mang đi bán lại cho mối giá 80.000 đồng/kg.
Thu lợi lớn
Ở khu vực xã Gia Kiệm, Gia Tân (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), ông Minh nổi tiếng cả vùng với việc chuyên môi giới cho các mối hàng tới các trang trại mua heo chết. Trước đây ông Minh hành nghề xe ba gác, tuy nhiên từ đợt dịch heo tai xanh đầu năm, ông bỏ nghề ba gác chuyển sang làm “cò” heo chết. Ông Minh khẳng định: “Heo quay là heo bệnh chết. Loại heo đó ở đây có mà cả một rừng, mối hàng ở Sài Gòn mua về nhiều lắm”.
Một góc trong lò heo chết của ông Phương - Ảnh: Anh Thoa
Ông Minh cho biết buôn bán heo chết thu lợi nhuận rất lớn. Heo chết chủ trang trại bán đổ bán tháo cả con, giá 200.000-250.000 đồng/con. Heo này được các lò gom về bán theo ký. “Heo bệnh chết nên không có giấy tờ kiểm dịch gì, vận chuyển bị bắt lo mà bỏ của chạy lấy người, muốn “sống” được phải có đường dây”. Theo ông Minh, từ ngày chuyển qua nghề làm “cò” heo chết ngày nào cũng có 3-4 mối gọi điện hỏi. Thời điểm dịch heo tai xanh hoành hành mỗi ngày ông kiếm cả triệu đồng từ tiền “cò”, hôm trúng mánh vài triệu là chuyện nhỏ.
Ngày 15/9, chúng tôi tiếp cận một điểm tập trung heo chết khác thuộc ấp Bình Đường 1, xã An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây là điểm do ông Vinh làm chủ. Tại đây, loại heo nhỏ có da thâm đen chỉ bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg. Ông Vinh cho biết: “Riêng loại hàng này tôi chuyển về từ các tỉnh miền Trung, nhiều nhất là Nghệ An”. Lần theo con đường vòng lầy lội, cách nhà ông Vinh 500m là kho chứa hàng. Thực chất đây là khu nhà cấp 4.
Vào bên trong nhà mấy chiếc thùng xốp cỡ lớn chứa được 400-500kg thịt heo, được phủ tấm bạt rách màu xanh. Mùi hôi bốc lên và ruồi nhặng bu kín thùng chứa hàng. Ông Vinh cho hay: “Đây là hàng tôi chuyên đổ cho các mối trên thành phố. Hàng này được chuyển từ Nghệ An vào. Nhiều loại mang ra chợ Đồng An 2 (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) bán cho công nhân. Ít nhất mỗi ngày bà xã tôi bán được 100kg, đó là chưa kể tôi bỏ cho các mối heo quay và bánh mì ở trên thành phố”. Ở chợ Đồng An 2, vợ ông Vinh bán 70.000-80.000 đồng/kg thịt heo chết đã được “mông má” lại.
Nguồn Tuổi trẻ
Hà Nội, Hải Phòng vừa xảy ra động đất
Lúc 10h15 đến 10h20 sáng 3/10, Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc đã xảy ra rung chấn nhẹ.
Chị Hoa, nhân viên văn phòng làm việc tại tòa nhà cao tầng ở phố Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Công ty tôi ở tầng 6 của tòa nhà. Khoảng 10h20, khi tôi đang ngồi làm việc thì thấy ghế ngồi hơi rung. Rồi thấy mọi người hô có động đất". Cũng theo chị Hoa, hiện tượng rung lắc chỉ xảy ra vài giây nhưng mọi người đều khá hốt hoảng.
Rung chấn cũng xảy ra tại một số khu vực khác ở nội thành Hà Nội. Tại nơi phóng viên đang đứng ở tầng 7, tòa nhà 31 Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng cảm nhận rõ sự rung lắc.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, khoảng 10h15, người dân ở nhiều khu vực trong thành phố cảm nhận được rung lắc khi ngồi làm việc trong các toà nhà như TD Plaza, Nomura, khu vực đường Điện Biên Phủ, Lê Đại Hành... Tại các tòa nhà cao tầng, nhân viên văn phòng đã đổ xô xuống sân do cảm nhận rất rõ rung lắc bất thường.
Tại Hải Phòng, nhân viên văn phòng chạy hết xuống sân vì cơn rung lắc mặt đất sáng nay (Ảnh: báo An ninh Hải Phòng)
Anh Trung, làm việc tại tòa nhà Hải Thành (P.Minh Hai, Q.Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết, anh đang ngồi làm việc thì thấy có cảm giác chóng mặt, rồi thấy tranh treo trên tường đung đưa. Lúc này anh mới biết là đang có động đất. Sau đó, mọi người ở tòa nhà chạy hết xuống tầng 1. Cũng theo anh Trung, hiện tượng rung lắc chỉ xảy ra khoảng 3-5 giây.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, trận động đất sáng nay có tâm chấn ở Thủy Nguyên, Hải Phòng và lan ra một số tỉnh phía Bắc trong đó có thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trận động đất khá nhẹ nên chỉ có những người làm việc tại các tòa nhà cao tầng mới cảm nhận được.
Thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, trận động đất xảy ra lúc 10 giờ 18 phút 47 giây (giờ Hà Nội) sáng 3/10 có độ lớn 4,4 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.99 độ vĩ Bắc, 106.81 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu là 12 km, động đất xảy ra trong khu vực địa phận Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Theo đánh giá động đất có thể gây nên rung động cấp V (theo thang MSK-64) Nhiều người ở khu vực chấn tâm động đất cảm thấy được đồ vật treo bị đung đưa. Đây là trận động đất yếu không có khả năng gây thiệt hại.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Nguồn 24h
'Hố tử thần' giữa ngã tư
Sau những cơn mưa liên tiếp, sáng 3/10, mặt đường rộng gần 4 m2 ở góc ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh (phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) bị sụp xuống.
![]() |
"Hố tử thần" xuất hiện ngay ngã tư. Ảnh: An Nhơn |
Tại hiện trường, "hố tử thần" rộng khoảng 4 m2, sâu 2 m, mở hàm ếch khoét sâu, nằm ngay khúc cua từ đường Nguyễn Oanh qua Phan Văn Trị. Đoạn đường bị phong tỏa.
Các công nhân Công ty thoát nước đô thị TP HCM đang dùng máy xúc đào bới, kiểm tra nguyên nhân. Theo đó, một đường ống cống thoát nước ngầm nằm sâu hơn 2 m dưới lòng đất đã bị vỡ. Nhân viên công ty thoát nước tiến hành san lấp, trả lại mặt đường thông thoáng.
![]() |
Công nhân công ty thoát nước có mặt xử lý, san lấp "hố tử thần". Ảnh: An Nhơn |
Theo Đội thanh tra giao thông số 1, Sở Giao thông vận tải TP HCM, do cơn mưa lớn trong đêm, lượng nước quá nhiều đã tràn lên mặt đường, gây xói mòn, bể đường ống thoát nước và tạo "hố tử thần". Thời điểm xảy ra sự cố vào sáng sớm, ít người qua lại nên không có sự cố đáng tiếc.
(Nguồn VnExpress)
Làng giá đỗ kêu oan
Chúng tôi về xã Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội), nguồn cung cấp giá đỗ chủ yếu cho trung tâm TP Hà Nội, sau khi Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) công bố giá đỗ, rau mầm "bẩn" chiếm 40% khối lượng đang được bày bán trên thị trường.
Thông tin này đã ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo hàng trăm người dân sản xuất giá đỗ ở Thượng Cát.
"Oan cho chúng tôi quá"
Bà Nguyễn Thị Miến (60 tuổi ở thôn Thượng Cát, xã Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội) có thâm niên làm giá đỗ 15 năm nay. Thời điểm này năm trước, mỗi ngày gia đình bà làm khoảng 300 nồi giá. Nhưng năm nay, gia đình bà chỉ làm 50 nồi mỗi ngày.
"Sau khi có thông tin giá nhiễm khuẩn thì thị trường giá đỗ chững lại. Trước đây, mỗi buổi chiều xe máy, ô tô cứ kéo nhau đông nghịt vào làng về lấy giá thì giờ đã giảm đi đáng kể. Số lượng giá giảm sút cũng còn do gần đây các lái buôn họ thích những loại giá đỗ mập mạp trên thị trấn Phùng, Đan Phượng. Loại giá đó nhìn rất đẹp, có thể đã bị người ta ngâm chất kích thích", bà Miến than thở.
Tất cả các hộ gia đình làm giá đỗ đều lấy nước giếng khoan
Bà Miến bảo: "Giá được xác định là bẩn không biết ở nơi đâu, nhưng thông tin đó làm ảnh hưởng đến việc sản xuất giá chung của người dân trong làng. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi làm đều đảm bảo vệ sinh, chưa có điều tiếng gì, nay có thông tin như thế, thị trường, người tiêu dùng lại quy cho làng chúng tôi, như thế thì oan cho chúng tôi quá".
"Không sạch, chính chúng tôi chết đầu tiên"
"Tiếng là làng làm giá truyền thống, nhưng không phải gia đình nào cũng làm được giá. Trước đây, gia đình tôi khoan giếng ở phía ngoài đến hàng chục mũi khoan, nước đều trong xanh, nhưng lạ kỳ thay khi ủ giá, mầm mọc lên đều bị thối. Gia đình tôi thử khoan lùi vào bên trong, thì ủ giá lại mọc lên như nấm", bà Miến cho biết.
Với người làm giá đỗ ở làng Thượng Cát, nước là vàng. Do đó có gia đình sống liền kề nhà bà Miến, thấy gia đình bà có nguồn nước làm giá đỗ, họ thuê thợ đến khoan giếng lấy nước làm, cũng khoan với độ sâu 35m, nhưng khoan nát cả vườn, khi lấy nguồn nước làm giá đỗ đều bị thối. Cuối cùng họ đành ngậm ngùi, chấp nhận đi mua lại giá do các gia đình sản xuất để đi bán.
"Giá đỗ rất nhạy cảm với môi trường sống. Nước không làm được giá, chứng tỏ nguồn nước đó đã nhiễm sắt, măng-gan. Khi đó chỉ ngâm vài ngày đỗ sẽ bị thối, không thể nảy mầm. Ngoài ra, tất cả các công đoạn khác chúng tôi đều làm sạch sẽ. Nếu làm không sạch thì chính chúng tôi chết đầu tiên chứ không phải là người tiêu dùng", bà Miến cho hay.
Nuôi giá như nuôi con mọn
Làm giá đỗ rất cầu kỳ và nhiều công đoạn, phải tỉ mẩn và cẩn thận mới làm được. "Làm giá đỗ không khác gì phải nuôi con mọn, phải túc trực hằng ngày, hằng giờ. Từ khi nhặt các hạt đỗ đến lúc cho ra được những cọng giá đỗ, trải qua rất nhiều công đoạn.
Giá rất nhạy cảm với môi trường sống vì thế phải vệ sinh sạch sẽ
Nhìn thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào không phải ai cũng làm được. Cách ủ giá đỗ cũng thay đổi liên tục theo thời tiết. Mùa hè thì ủ giá nhanh hơn, nhưng phải cho giá uống nước nhiều hơn để cho giá nhanh phát triển.
Nhất là vào đêm, tôi phải thức để trông giá, vì nhiệt độ thời tiết thay đổi mình cũng phải điều chỉnh cho nó phù hợp. Vào mùa đông có hôm nhiệt độ xuống thấp tôi phải mang chăn trong nhà ra để phủ lên những nồi giá. Vì sợ giá đỗ không đủ ấm, mầm sẽ bị èo uột".
Công đoạn chọn hạt đỗ cũng rất được bà Miến chú trọng, phải chọn từng hạt to, tròn, mẩy. Nếu sót hạt đỗ lép thì khi ủ mầm nó sẽ bị thối và lan sang cả mầm đỗ khác, hỏng cả nồi giá.
Theo bà Miến, một ngày phải cho giá uống nước ít nhất là 6 lần, mỗi lần cách nhau 4 tiếng. Mỗi ngày làm nhiều nồi khác nhau nên phải nhớ rõ thời gian để cho đỗ uống nước một cách hợp lý. Bình thường một nồi giá cũng phải ngâm ủ ít nhất là 5 ngày. Cùng với nó phải căn thời gian hợp lý để nâng tấm đan lót ở trên bề mặt để giá đỗ lớn.
Sản xuất giá bằng cái tâm
Ông Lê Xuân Lịch, thôn Đống Ba trước đây từng làm Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Cát, có gần 30 năm làm giá đỗ. Hiện nay, gia đình ông là một trong những gia đình làm giá đỗ lớn nhất trong xã.
Ông dẫn chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất giá với hàng trăm nồi giá. Cầm nồi giá chuẩn bị xuất cho các lái buôn, ông mở từng tấm đan trên bề mặt, bốc vốc giá ra tay, ông vừa khoe với chúng tôi, vừa đưa từng cọng giá vào miệng ăn sống.
Ông Lịch bảo: "Ngày nào gia đình tôi cũng ăn giá đỗ do mình làm ra. Các khâu sản xuất đều đảm bảo vệ sinh nên chúng tôi yên tâm ăn sống. Vừa qua, các cơ quan chức năng cũng về kiểm tra quá trình sản xuất giá của chúng tôi. Sản xuất như thế nào chúng tôi cũng không có gì phải giấu cả. Vì chúng tôi xác định sản xuất giá bằng cái tâm của mình chứ không vì lợi ích mà hại người tiêu dùng".
Mỗi ngày gia đình ông Lịch xuất ra ba tấn giá đỗ, các thương lái sẽ đem số giá đỗ đó để bán lại cho các nhà hàng, quán ăn và các chợ Hà Nội. "Không biết thông tin giá nhiễm khuẩn ở chợ thực hư như thế nào nhưng đã ảnh hưởng đến thương hiệu giá đỗ của làng tôi.
Mấy hôm nay, lượng giá bán ra đã có dấu hiệu chững lại. Có thể giá đỗ chúng tôi sản xuất sạch nhưng trong quá trình vận chuyển, rồi người bán hàng họ rửa ở những nơi mất vệ sinh nên giá không được sạch như lúc sản xuất. Dù thế nào đi chăng nữa thì thông tin đó đó đã ảnh hưởng trực tiếp tới chúng tôi", ông Lịch lo lắng.
Ông Lịch cho rằng, việc cơ quan chức năng kiểm tra là đúng, nhưng phải nói rõ là kiểm tra ở đâu, giá có nguồn gốc như thế nào chứ không được chung chung như thế, dễ khiến cho người dân hoang mang.
"Để nhận biết giá đã ngâm ủ chất kích thích với giá đỗ sạch không khó. Khi đi mua giá người mua không nên mua giá mập mạp. Nên mua giá có thân dài, có rễ và lá ở đầu. Giá đó nhìn không đẹp mã như giá khác nhưng đảm bảo sạch sẽ, an toàn", ông Lịch khuyến cáo.
Nguồn Kiến thức
700 học sinh nghỉ học để... hiệu trưởng làm lễ nghỉ hưu
Vào ngày 2/10, gần 700 học sinh Trường Mầm non 2 (đường Đinh Tiên Hoàng, TP Huế) đã phải nghỉ học cả ngày để trường làm lễ về hưu cho hiệu trưởng cũ và bổ nhiệm hiệu trưởng mới.
Nhiều phụ huynh đã phản ánh qua Dân trí việc nhà trường cho học sinh (HS) nghỉ học ngay đầu tuần đã làm xáo trộn đến việc chăm sóc, giữ con của các gia đình. Một số người làm công sở đã nhờ vả bà con, hàng xóm đến giữ trẻ. Thậm chí, một vài gia đình phải thay phiên bố mẹ xin phép cơ quan nghỉ ở nhà từng buổi để chăm con.
Cũng theo phản ánh từ phụ huynh, khi hội nghị cán bộ công chức và Hội nghị công đoàn cơ sở của Trường Mầm non 2 vừa diễn ra cách đây không lâu, học sinh cũng phải nghỉ 2 ngày trong tuần gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sắp xếp giữ con của các gia đình. Được biết, trường Mầm non 2 là trường đã đạt chuẩn Quốc gia và Huân chương Lao động hạng Ba.
Được biết, trước đó vào chiều 1/10, trường đã dán thông báo cho HS nghỉ nguyên ngày 2/10 để trường họp bàn giao hiệu trưởng cũ và mới. Đến sáng 2/10, khi chúng tôi đến trường thì vắng hoe, không có bộ phận trực trường nào cả mà chỉ có duy nhất 1 bác bảo vệ già. Có một số người đến liên hệ công việc với trường cũng đành ra về. Thông tin từ một nhân viên trong Trường Mầm non 2 cho biết, vào chiều 2/10, trường họp vào lúc 14h. Sau khi kết thúc buổi họp sẽ dọn tiệc - văn nghệ trong khuôn viên trường với 10 bàn cho 100 khách mời từ ngành giáo dục, lãnh đạo thành phố Huế, phường và giáo viên.
Điều đáng nói là Trường Mầm non 2 cho HS nghỉ “đúng” vào Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời (do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức). Tuần lễ được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND TP phố Huế phát động trước đó đúng 1 ngày, vào ngày 1/10.
Trao đổi về câu chuyện này, ThS Phan Nam, Trưởng phòng Giáo dục TP Huế - đơn vị quản lý Trường Mầm non 2 cho biết: “Thật sự, nếu làm lễ thì chỉ cần một buổi là đủ chứ không cần phải cho HS nghỉ cả ngày. Tuy nhiên, do đây là trường mầm non bán trú nên nếu các em nghỉ học chỉ một buổi thì có thể khó trong việc tính toán tiền ăn sau này.
Bên cạnh đó, việc nhận quyết định hiệu trưởng mới cho cô Trần Thị Hoa thay cho cô Đỗ Thị Nhạn cũng quá cập rập. Đến chiều thứ sáu tuần trước đây thôi (tức ngày 28/9), cô Hoa mới nhận được quyết định là hiệu trưởng mới. Trường cũng đã báo cáo chúng tôi định làm luôn trong ngày chủ nhật cuối tuần vừa rồi nhưng không kịp để chuẩn bị.
Vì vậy phải làm trong ngày thứ ba trong tuần này. Nếu để đến cuối tuần thì sẽ chậm thời gian bàn giao chính thức, công việc sẽ có phần bị ảnh hưởng. Về cả mặt tình và lý, Chúng tôi cũng mong phụ huynh thông cảm vì cô Nhạn đã cống hiến cả đời, nay cho trường nghỉ một buổi để làm lễ cho cô thì cũng không có ảnh hưởng gì nhiều đến các em”.
Trao đổi với báo chí, thầy Nam cũng cho biết thêm là qua đây, sẽ rút kinh nghiệm để phổ biến cho các trường khác nếu sau này làm lễ cho các cán bộ giáo viên cũng cần phải để ý đến thời gian cho phù hợp cả phụ huynh HS lẫn nhà trường.
(Nguồn Dân trí)
Tàu Trung Quốc liên tiếp thâm nhập Senkaku/Điếu Ngư
Các tàu của chính phủ Trung Quốc sáng nay tiếp tục tiến vào vùng nước mà Nhật cho là vùng lãnh hải quanh đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, ngày thứ hai liên tiếp.
Ba tàu hải giám Trung Quốc "phớt lờ các lời cảnh báo của tàu tuần tra bờ biển Nhật... tiến vào vùng lãnh hải" của các đảo tranh chấp, AFP dẫn thông báo của cơ quan tuần duyên Nhật hôm nay cho hay.
Các tàu Nhật cảnh báo và xua đuổi tàu Trung Quốc bằng cách phát lời thông qua radio và các phương tiện khác, nhưng các tàu hải giám không trả lời.
![]() |
Tàu của chính phủ Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ảnh: AFP |
Ba tàu này hiện diện gần Kubashima, một trong các đảo thuộc nhóm đảo mà người Nhật gọi là Senkaku và người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền với các đảo dẫn đến căng thẳng gia tăng trong thời gian gần đây.
Hôm qua, bốn tàu hải giám Trung Quốc đã thâm nhập vùng nước gần các đảo này, ở đó trong vòng 6 giờ trước khi rời đi. Các tàu Trung Quốc phớt lờ cảnh báo mà tuần duyên Nhật đưa ra.
Trước đó các tàu của Đài Loan cũng tiến đến gần quần đảo, và thậm chí còn có màn đấu vòi rồng với các tàu của Nhật.
Sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Nhật - Trung gây lo ngại sẽ đưa đến nhiều hệ lụy về kinh tế. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, bà Christine Lagarde, giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế nói rằng nền kinh tế đang chao đảo của thế giới khó có thể chịu đựng nổi việc hai nền kinh tế chủ chốt số 2 và 3 suy giảm hơn nữa do tác động của tranh chấp biển đảo.
(Nguồn VnExpress)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn