Đang truy cập :
51
Hôm nay :
9673
Tháng hiện tại
: 94649
Tổng lượt truy cập : 14172184
![]() | ||
TRẦN AI ĐI ĐÒI NỢ Từ năm 1993 đến năm 1996, các HTX nông nghiệp xã Hương Xuân làm đường điện, trạm bơm. Khi lắp đặt thì bị thiếu tiền nên các HTX tổ chức họp xã viên bàn bạc vay tiền của nhân dân trong và ngoài xã. Sau đó, các HTX này đổi tên thành HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Xuân và Phú Hương. Các công trình trên đã xây dựng xong, nhưng nhiều năm qua, những người cho các HTX nông nghiệp xã Hương Xuân trước đây vay tiền đến đòi tiền đều nhận được câu trả lời “không có”. Ông Chinh cho biết: “HTX nông nghiệp vay của gia đình ông 15 triệu đồng nhưng suốt gần 20 năm qua vẫn “cù cưa” không trả” Ông Nguyễn Văn Chinh (ngụ xã Phú Phong, Hương Khê) bức xúc: “Ngày 8-1-1994, ông Nguyễn Danh Hường - Chủ nhiệm HTX Phú Xuân, viết giấy vay của gia đình tôi 8 triệu đồng, tương đương 1,9 lượng vàng thời đó. Ông Hường hứa sẽ trả cả gốc lẫn lãi trước ngày 30-5-1994. Khoản tiền này chưa trả được xu nào thì ngày 20-2-1995, ông Nguyễn Văn Nhượng - nguyên thủ quỹ HTX tiếp tục viết giấy vay thêm 7 triệu đồng. Giấy này có đóng dấu của ông Hường - Chủ nhiệm HTX Phú Xuân. Giấy vay tiền ghi rõ những người này đại diện cho HTX vay tiền gia đình tôi với lãi suất 4%. Lúc vay, hai bên giao hẹn khi nào gia đình tôi cần thì HTX trả. Vì tin tưởng vào HTX và mong muốn được làm cho xong đường điện góp phần phục vụ bà con, HTX cũng hứa sẽ sớm trả dứt điểm, nhưng nhiều năm qua, gia đình tôi túng tiền, hàng chục lần đến hỏi thì họ cứ hẹn rồi không trả. Tôi làm đơn gửi UBND xã thì xã lấy lý do “HTX đã giải thể, không bàn giao tài khoản cho UBND xã” để phủi trách nhiệm”. Tương tự, ông Lê Hữu Yêm (ngụ ở xã Hương Trà, Hương Khê) cho biết: “Ngày 11-10-1995, ông Phạm Quang Khương đại diện cho HTX Phú Hương làm giấy vay của gia đình tôi 5 triệu đồng. Ngày 19-11-1995, ông ấy làm giấy vay tiếp 10 triệu đồng, tôi đã nhiều lần đến đòi nhưng đều đi về tay không”. Nguyễn Thị Đào (ngụ ở xã Hương Xuân, Hương Khê) phản ánh: “Vào các năm 1994, 1995, 1996, HTX Phú Hương vay của gia đình tôi 7.098.000 đồng. Lúc ấy, chồng tôi là ông Nguyễn Hứa Cán (đã chết) đại diện gia đình làm giấy tờ cho HTX vay. Trong các giấy tờ cho vay, ghi rõ “HTX Phú Hương vay để làm công trình đường điện” có chữ ký của chủ nhiệm, kế toán và thủ quỹ. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến yêu cầu HTX trả nợ thì họ cố tình lảng tránh. Những đồng tiền ấy là mồ hôi, nước mắt của chúng tôi gom góp để nuôi con, chỉ vì quá tin tưởng HTX, chúng tôi mới cho vay để rồi nhận phải “quả đắng””. Ngoài những trường hợp trên, ở xã Hương Xuân và một số xã lân cận còn có rất nhiều hộ dân cho HTX Phú Hương và Phú Xuân vay với số tiền rất lớn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được xu nào. Trong khi nhiều hộ dân bị hai HTX trên “cù cưa” không trả nợ thì năm 1997, bà Lê Thị Dục - một trong những hộ dân cho HTX nông nghiệp Phú Xuân vay 18 triệu đồng được Tòa án nhân dân huyện Hương Khê buộc HTX này phải trả cho bà số tiền 18.051.000 đồng. CẦN SỚM TRẢ CHO DÂN Mặc dù khi vay tiền, cán bộ HTX đã làm giấy tờ, có ký tên, đóng dấu hẳn hoi nhưng không hiểu sao, ngày 19-12-2012, UBND xã Hương Xuân có văn bản số 02 TL-ĐT trả lời một số hộ dân trong đó có ông Chinh với nội dung chẳng giống ai. “Trường hợp của ông Nguyễn Văn Chinh không có biên lai thu tiền, không có phiếu thu, chỉ có một giấy tay của ông Nguyễn Danh Hường - Chủ nhiệm HTX Phú Xuân vay số tiền 8 triệu đồng, viết ngày 7-4-1994. Một giấy biên nhận tiền viết tay của ông Nguyễn Văn Nhượng, thủ quỹ HTX Phú Xuân với số tiền 7 triệu đồng, tổng số tiền mà HTX Phú Xuân đã vay của ông Chinh là 15.000.000 đồng. Đối với bà Lê Thị Bình có năm phiếu thu trong năm 1995, tổng số tiền là 14.209.000 đồng. Tất cả các phiếu thu mà HTX Phú Hương vay của bà Lê Thị Bình không rõ nội dung vay tiền để làm gì. Đối với ông Nguyễn Xuân Cát: có phiếu thu số 43 ngày 25-5-1995 của đơn vị Phú Hương vay 5 triệu đồng, lãi suất 3,5%/tháng, không có chữ ký của chủ tài khoản. Còn số tiền mà HTX nông nghiệp vay của ông Lê Hữu Yêm 15.000.000 đồng, không có biên lai thu theo quy định, chỉ có giấy viết tay của chủ nhiệm Phạm Quang Khương, ghi ngày 11-10 và 19-11-1995, nội dung không thể hiện rõ vay để làm đường điện hay để làm gì. Đối với tiền của ông Lê Hữu Cán cho HTX vay có ba giấy viết tay, tổng số tiền là 4.300.000 đồng chỉ có giấy viết tay với số tiền vay 1.500.000 đồng, ghi rõ vay để làm đường điện. Phiếu thu số 27 ngày 7-5-1994 với số tiền 1.300.000 đồng không rõ mục đích vay để làm gì. Các hộ cho các HTX vay là có thật. HTX nông nghiệp trước đây đã vay tiền mặt, một số chi làm đường điện, số khác không rõ để làm gì. Sau khi các HTX, chuyển đổi thành HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Xuân và Phú Hương, số nợ trên không được bàn giao cho các HTX sau này. Giấy tờ mà người khiếu nại cung cấp để chứng minh cho việc đòi nợ của mình không đủ cơ sở để kết luận. Các HTX nông nghiệp hiện không còn tài sản, tài khoản, vì vậy không có khả năng thanh toán. Nợ phải trả của các HTX nông nghiệp trước đây không được bàn giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp hay một cơ quan nào. UBND xã không xác định nghĩa vụ thanh toán thuộc cơ quan đơn vị nào. Số nợ tiền điện phải trả cho các hộ dân không bàn giao lại cho UBND xã, vì vậy UBND xã Hương Xuân không có nghĩa vụ thanh toán tiền cho các hộ dân”. Giấy vay tiền và phiếu thu có chữ ký, con dấu của HTX nợ tiền của dân nhưng UBND xã Hương Xuân lại cho rằng: “Không đủ cơ sở” (?!) Ngày 10-10-2002, Đội Thi hành án (THA) huyện Hương Khê có công văn số 26/CV-THA ngày 10-10-2002 nêu: “Hiện tại nhà nước có nguồn kinh phí hỗ trợ cho xã Hương Xuân đầu tư làm đường điện và giải quyết công nợ cho các gia đình trong quá trình vay làm đường điện. Yêu cầu Kho bạc huyện Hương Khê, UBND xã Hương Xuân chuyển số tiền trên vào tài khoản của Đội THA huyện Hương Khê để cơ quan THA giải quyết theo luật định”. Công văn số 26/CV-THA buộc các HTX nông nghiệp xã Hương Xuân phải trả nợ cho nhà nước và tập thể, công dân số tiền gần 70 triệu đồng. “Các HTX vay tiền của chúng tôi để làm gì, đó là chuyện của họ, họ xác nhận có vay thì phải có trách nhiệm trả. Khi vay tiền của bà Dục, HTX cũng làm giấy tờ như chúng tôi, không hiểu sao bà ấy được trả còn chúng tôi lại không được? Không lẽ tiền của chúng tôi cho HTX vay không có giá trị? Sau khi các HTX giải thể, họ đã bàn giao lại tất cả tài sản, tài khoản và công nợ cho HTX dịch vụ nông nghiệp. Những cơ sở vật chất cũ hiện vẫn được UBND xã Hương Xuân dùng. Tài sản thì UBND xã vô tư sử dụng nhưng chẳng hiểu sao công nợ thì xã không tiếp nhận để thanh toán cho chúng tôi. Hơn nữa, các HTX đã được nhà nước hỗ trợ tiền để giải quyết nợ nần nhưng lại không chịu trả, vậy số tiền ấy “chảy” vào túi ai? Không lẽ thành lập nên HTX rồi đi vay tiền của xã viên, sau đó tuyên bố giải thể rồi xù nợ là xong à? Nếu làm vậy thì chúng tôi cũng có thể thành lập hàng chục HTX, hàng chục công ty đi vay nợ của người khác, sau đó tuyên bố giải thể để “xù” nợ mà vẫn không bị xử lý sao?”, các hộ dân cho các HTX xã Hương Xuân bức xúc. Không đồng tình với cách giải quyết của UBND xã Hương Xuân, ngày 8-1-2013, UBND Huyện Hương Khê có thông báo số 04/TB-UBND nhận xét: “Việc trả lời của UBND xã Hương Xuân chưa đầy đủ, tạo sự không đồng thuận cho nhân dân. UBND huyện giao cho UBND xã báo cáo giải trình làm rõ nội dung phản ánh của công dân và phải đề xuất UBND huyện phương án xử lý, trước ngày 15-1-2013”. Đã có ý kiến chỉ đạo của huyện Hương Khê, tuy nhiên hơn nửa năm nay UBND xã Hương Xuân vẫn lờ đi không giải quyết dứt điểm cho bà con. Giấy tờ vay mượn ghi rành rành nhưng vì “cha chung không ai khóc” nên gần 20 năm qua, dân phải trầy trật đi đòi nợ và mỏi mòn đợi chờ trong vô vọng. Hải Văn - Lương Sơn | ||
( Theo: Công An ) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn