Ngày 28/3/2014 tại trường tiểu học Hương Trà, Phòng GD&ĐT Hương Khê đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác triển khai thí điểm Mô hình trường học mới (VNEN) sau một năm thực hiện tại 6 lớp của 2 khối 2,3. Với sự tham gia của tất cả CBQL các trường tiểu học trong huyện, GV dạy lớp 2,3, các tổ trưởng của trường TH Hương Trà cùng lãnh đạo và chuyên viên phụ trách cấp học của Phòng GD&ĐT. Chương trình hội nghị gồm có 4 phần: - Phần dự giờ thăm các lớp dạy học VNEN: Hội nghị đã phân thành nhóm để dự giờ dạy theo mô hình VNEN và thăm lớp tại 6 /6 lớp học triển khai VNEN. - Nghe báo cáo kết quả một năm triển khai dạy học theo mô hình VNEN tại 2 khối 2 và 3 của nhà trường. - Giáo viên dạy tại các lớp VNEN và BGH trường TH Hương Trà giải đáp các vấn đề cụ thể trong quá trình triển khai dạy học theo VNEN mà các đại biểu về dự hội nghị đưa ra.
Giáo dục Hương Khê: Hội nghị đánh giá một năm triển khai thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới(VNEN)
Báo cáo đánh giá sau gần 1 năm triển khai dạy học theo VNEN của trường TH Hương Trà đã nêu bật nhiều kết quả đáng mừng. Nổi bật nhất đó là học sinh thật sự tự giác, tự tin, linh hoạt trong các hoạt động; học sinh giao tiếp tự nhiên, có nhiều kĩ năng tốt như: nói, hợp tác, quyết định, tự làm việc độc lập với tài liệu; hỗ trợ hợp tác tiếp nhận kiến thức, tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau tốt, có tinh thần tương thân, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau… số lượng học sinh được xếp loại khá giỏi cao trong đánh giá giữa học kì 2 vừa qua. Phụ huynh và cộng đồng phấn khởi tham gia vào quá trình đánh giá kết quả giáo dục của các em; nhà trường đón nhận được niềm vui từ cha mẹ học sinh khi nhận thấy con em mình có những kĩ năng cuộc sống và giao tiếp nổi trội. Trong các lớp học VNEN được trang trí thân thiện và thuận lợi cho các em học tập bằng “Góc học tập các môn và góc thư viện”; học sinh được chia sẻ cùng nhau những niềm vui, lời chúc cảu bạn bè từ “Hộp thư vui”; chia sẻ, thông cảm và cùng hỗ trợ cho nhau từ “Sơ đồ đường em tới trường”; cùng hiểu biết về các sản phẩm văn hóa, vật chất bằng “Góc cộng đồng”…
Hình thức tổ chức lớp học VNEN đã thay đổi hẳn vai trò của người dạy và người học. Học sinh học lớp VNEN thật sự có kĩ năng cuộc sống, học sinh thật sự tự giác, tự chủ, tích cực và chủ động; vai trò của người học là chủ thể, giáo viên thật sự là người trợ giúp đúng lúc cho các em trong học tập và các hoạt động giáo dục.
Báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn của chương trình thí điểm, đó là:
- Chương trình triển khai chậm sau khi học sinh đã mua sách và tài kiệu của năm học mới nên có sự lẵng phí và khó đồng thuận của Phụ huynh khi phải trả sách cũ, mua sách và tài liệu học tập mới.
- Không có nguồn kinh phí hỗ trợ, bồi dưỡng cho nhà trường, giáo viên trong khi đội ngũ CBQL, GV của trường phải tham gia tập huấn, dài ngày; tham gia nhiều đợt giao ban ngoại huyện; kinh phí cho thực hiện trang trí và mua sắm thêm CSVC cho lớp học VNEN khi bắt đầu triển khai.
- Tài liệu học tập và giảng dạy có muộn; một số nội dung còn thiết kế phần lý thuyết còn dài; hồ sơ cho công tác đánh giá học sinh còn nhiều.
- Một số học sinh khi bước vào lớp 2 thiếu tự tin và kĩ năng đọc chưa tốt nên khi vào lớp VNEN chủ yếu là tự học nên có nhiều khó khăn vất vả cho giáo viên…
Đề xuất của đơn vị triển khai:
- Công tác đánh giá và theo dõi tiến đọ vẫn nặng nề, nên chỉ đánh giá cuối học kì;
- Môn TNXH một số bài vẫn còn dài;
- Cần tăng thêm bài tập môn toán; cần có tài liệu cho phần HĐGD.
Năm học 2013-2014 Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình lớp học VNEN, đối với huyện Hương Khê tối thiểu có thêm 3 trường được triển khai nhận rộng. Để đạt được thành công cần có sự thay đổi hẳn tư duy, cách dạy học của giáo viên; sự thấu hiểu và chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý cùng với hỗ trợ kinh phí cho mua sắm CSVC và bồi dưỡng phù hợp cho giáo viên dạy các lớp thí điểm; tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh và cộng đồng về ưu điểm của dạy học theo mô hình trường học mới.
Tác giả bài viết: Lê Hữu Tân - Phòng GD&ĐT