Đang truy cập :
48
Hôm nay :
3240
Tháng hiện tại
: 285148
Tổng lượt truy cập : 22253359
Phát hiện gà thải loại chứa kháng sinh ở Hà Nội
- Chi cục Thú y Hà Nội tiến hành lấy 5 mẫu gà thải loại nhập lậu bày bán trên thị trường kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh, kết quả cho thấy 100% số mẫu tồn dư chất sulfadiazin, vượt ngưỡng cho phép từ 7 – 19 lần.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng chiều 13/11, cơ quan chức năng cho biết, vừa qua Chi cục Thú y Hà Nội tiến hành lấy 5 mẫu gà thải loại nhập lậu bày bán trên thị trường kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh, kết quả cho thấy 100% số mẫu tồn dư chất sulfadiazin, vượt ngưỡng cho phép từ 7 – 19 lần. Đây là chất độc hại khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người sử dụng.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, so với năm 2011 hiện 8 tháng đầu năm 2012 lượng nhập khẩu gia cầm nói chung giảm 22,5%. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu gà thải loại có xu hướng tăng hơn so với năm ngoái. Tỉ trọng nhập khẩu gà thải loại năm 2011 là 5.700 tấn, nhưng chỉ 8 tháng đầu năm 2012 đã nhập tới 5.396 tấn (11,6%).
Qua kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên, 100% số mẫu gà nhập lậu có chứa tồn dư kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. (Ảnh minh họa)
Ông Sơn cũng cho biết: Sau khi báo chí đăng tải nhiều về thông tin gà thải loại Hàn Quốc nhập chính ngạch vào nước ta chất lượng không bảo đảm cho người tiêu dùng, hiện các siêu thị đã ngừng nhập loại thực phẩm này.
Xoay quanh vấn đề gà thải loại, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Diệp Kỉnh Tần giao cho Vụ KH&CN (Bộ NN & PTNT) kết hợp với Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn về mức dinh dưỡng đối với gà thải loại.
“Cần phải xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát gắt gao nhập gà thải loại tránh trong tương lai không chỉ gà Hàn Quốc vận chuyển vào nước ta mà còn nhiều nước khác nữa do họ không sử dụng nhưng Việt Nam vẫn tiêu thụ với một lượng lớn”, Thứ trưởng Tần khẳng định.
Hiện tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm mấy ngày gần đây đã được kiểm soát, tại các điểm nóng nhập lậu đã vắng bóng gà Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn nói: Sau 3 hội nghị triển khai công tác phòng chống nhập lậu gia súc, gia cầm và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra tại Hà Nội, Nha Trang, TP. HCM cùng với sự vào cuộc thị sát của các cơ quan chức năng, trong khoảng 10 ngày trở lại đây, tình trạng nhập lậu qua biên giới đã giảm rõ rệt, nhiều điểm nóng đã vắng bóng gà lậu Trung Quốc. Đây là kết quả đáng mừng cho công tác phòng chống nhập lậu.
Đại diện Bộ Công an tại buổi họp giao ban cũng cho biết: Hiện tình trạng nhập lậu về cơ bản được kiểm soát, tại một số tỉnh như Sơn La, Quảng Ninh tuy vẫn bắt giữ được hàng lậu nhưng chỉ với khối lượng nhỏ.
Nói về giá gia súc, gia cầm hiện nay, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Tình trạng nhập lậu đã được kiểm soát, tuy nhiên giá gia súc, gia cầm trong nước vẫn thấp, người chăn nuôi thua lỗ. Hiện giá gà lông trắng xuất chuồng chỉ hơn 20.000 đồng/kg, gà màu 47.000 – 48.000 đồng/kg. Giá thịt lợn ở phía Nam tăng thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ.
(Nguồn Infonet)
Giả công an, hiếp dâm cô giáo giữa đêm
Hiện công an huyện đã bắt Linh và chuyển hồ sơ lên công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Nạn nhân trong vụ việc này là Cô Nguyễn Trần D.A., giáo viên của một trường tiểu học tại huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Cô Nguyễn Trần D.A tố cáo:
“Tối 26/10, khi tôi trên đường về nhà thì có một thanh niên mặc đồng phục công an chạy theo tự giới thiệu mình là công an ở tỉnh Đắk Lắk, đang đi công tác ở huyện Đắk Mil. Người này mang bảng tên Vũ Mạnh Linh, quân hàm thiếu úy. Hắn cứ chạy xe theo tôi và khi đến đoạn đường vắng thì giở trò hiếp dâm tôi. Sau khi vụ việc xảy ra, tôi có trình báo công an huyện nhưng hắn đã bỏ trốn. Vài ngày sau, hắn gọi điện thoại cho tôi nói hắn là cháu của một công an làm việc ở tỉnh nên không sợ ai khiến tôi không biết thế nào nữa”.
Thiếu tá Cù Xuân Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông), cho biết: Người thanh niên trên có tên thật là Vũ Mạnh Linh, sinh năm 1984, thường trú tỉnh Đắk Lắk. Năm 2005, Linh nhập ngũ và là bộ đội biên phòng ở tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 2007, Linh ở lại quân đội làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ trụ sở Bộ Công an khu vực phía Nam. Năm 2010, Linh ra quân. Theo lời khai của Linh, lúc đó Linh có xin giữ lại bộ đồng phục làm kỷ niệm, còn quân hàm và bảng tên thì nhờ người làm giả rồi gắn vào áo. Hiện công an huyện đã bắt Linh và chuyển hồ sơ lên công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
(Nguồn Pháp Luật Tp.HCM)
Xử phạt trường hợp đầu tiên chưa sang tên, đổi chủ
Một người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu đã bị CSGT tỉnh Thái Nguyên xử phạt thêm cả lỗi chưa sang tên, đổi chủ phương tiện.
Theo Công điện 141 ngày 11-11 gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố của Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII-Bộ Công an), trường hợp người điều khiển xe trên đường có giấy tờ xe không chính chủ mà người đó nói là xe mượn của người thân, xe thuê thì chưa xử phạt.
Theo thống kê của Tổng cục VII, đến hết ngày 11-11 lực lượng CSGT trên cả nước chưa xử phạt bất cứ trường hợp nào liên quan đến lỗi này.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho biết, khi vi phạm các lỗi phải tạm giữ xe hoặc chiếc xe đó gây ra tai nạn thì CSGT mới truy nguồn gốc chủ xe, đã làm thủ tục sang tên, đổi chủ hay chưa để ra quyết định xử phạt.
Còn Thượng tá Nguyễn Kim Hải - phụ trách Phòng Hướng dẫn tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông - Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt - cho biết sẽ không có chuyện CSGT lập chuyên đề xử phạt riêng về lỗi chưa sang tên, đổi chủ.
Với hai lỗi điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm và xe không có gương chiếu hậu của anh Mai Thành Nam, theo quy định tại Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chưa tới mức phải tạm giữ xe.
Trong biên bản xử phạt của Thượng sĩ Lưu Thị Hải Yến cũng thể hiện rõ điều này, khi chỉ tạm giữ giấy phép lái xe và giấy đăng ký xe của anh Nam. Biên bản cũng đề nghị anh Nam có mặt Đội CSGT Công an TP Thái Nguyên vào sáng 22-11 để giải quyết.
Như thế có thể hiểu, lực lượng CSGT Công an TP Thái Nguyên đã “cố gắng” truy hỏi việc anh Nam có phải là chủ nhân của chiếc xe này hay không và việc anh Nam trung thực thừa nhận là “có” đã khiến anh bị xử phạt (?!).
Nếu quy định phải thực hiện xác minh ngoài đường thì cũng được nhưng sẽ khó cho người dân và không tạo được sự đồng thuận. Vì vậy trước mắt Tổng cục VII quy định ngoài đường thì chấp nhận trình bày. Thiếu tướng Nghị cũng thừa nhận khi Nghị định 71 ban hành, có tình trạng CSGT lúng túng khi áp dụng quy định này.
Trước những thông tin nhiễu loạn này, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.
Đồng thau, không phải đồng đen
Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý - Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, ngay sau khi có ý kiến của UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL đã thành lập Hội đồng khoa học để giám định chiếc chuông này. Thành phần có thêm TS Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật của Bộ VH-TT-DL). Qua nghiên cứu, phân tích, hội đồng đã đi đến kết luận: Chiếc chuông này bằng đồng thau, được chế tác từ thế kỷ 18 và mang phong cách nghệ thuật Phật giáo thời nhà Nguyễn.
|
Theo ông Lý, chuông có quai là 2 hình rồng đấu lưng vào nhau. Rồng có đuôi xoáy 5 dải, râu và bờm dài. Thân chuông hình trụ trên thu nhỏ, dưới to, miệng loe dày. Thân trên của chuông chia đều 4 ô đứng hình chữ nhật bằng các đường chỉ nổi. Cả 4 góc của ô đúc nổi hoa văn hình thước thợ gấp khúc. Trong mỗi ô khắc một dòng ngang 3 chữ Hán: Phú Sơn tự (chùa Phú Sơn). Phía dưới khắc một hàng dọc 9 chữ Hán: Đinh Sửu niên tạo, giá ngân thất thập nguyên (chế tạo năm Đinh Sửu, 1877, giá trị 70 quan tiền). Giữa 4 ô trên và 4 ô dưới phân cách bằng một đai nổi đúc nổi 4 núm gõ tròn hình bông sen. Phía trên và dưới của đai nổi đúc 2 băng hoa chanh 4 cánh. 4 ô dưới hình chữ nhật, bên trong đúc nổi hình rồng, đầu rồng quay thuận chiều kim đồng hồ, xen kẽ giữa 4 ô rồng, 4 ô vuông bên trong đúc nổi 4 chữ: Xuân - Hạ - Thu - Đông trong khuôn hình lá bồ đề. Chuông có màu đồng xám còn nguyên vẹn; đường kính 52 cm, chiều cao 100 cm, trọng lượng khoảng 100 kg.
Tài sản vô giá của chùa
Sư Quảng Độ, trụ trì chùa Phước Sơn cho biết: "Chuông đồng là tài sản vô giá của chùa, nên không hề có chuyện mua bán ở đây. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có nhiều người đến hỏi mua. Cơ quan chức năng của huyện, kể cả công an huyện cũng đã đến xem chiếc chuông này và đề nghị thầy giữ gìn cẩn thận". Anh Lê Ba, một cán bộ xã Phú Lạc, cho biết chuông được bảo vệ rất cẩn thận. “Hằng đêm chúng tôi cho anh em dân phòng đến ngủ tại chùa để bảo vệ. Đó là chưa kể nhiều phật tử, do lo ngại cho số phận của quả chuông "thần” nên đã đến ngủ ở chùa để cùng canh giữ”.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý cho rằng, chuông được làm bằng “đồng đen” hay “đồng lạnh” là cách nói dân gian, chứ không có tài liệu khoa học nào minh chứng. “Chuông đồng này gắn liền với sự hình thành của chùa Phước Sơn. Nó chỉ có ý nghĩa và giá trị về mặt văn hóa tâm linh. Việc đồn đoán “chuông thần, bằng đồng đen, biết buồn vui gì đó là lời đồn đoán, thêu dệt chứ không có cơ sở” - ông Lý nói.
(Nguồn Thanh niên)
2.800 tỷ đồng 'mở đường' cho tàu biển lớn vào TP HCM
Dự án nạo vét luồng Soài Rạp với số vốn gần 2.800 tỷ đồng sẽ được khởi công vào cuối tháng 11 để đón các tàu biển lớn ra vào TP HCM, góp phần tăng trưởng kinh tế biển cho thành phố.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 (Sở Giao thông Vận tải TP HCM), dự án sẽ nạo vét đến độ sâu 9,5 m để đảm bảo cho tàu có tải trọng 30.000 tấn đầy tải và tàu 50.000 tấn giảm tải ra vào cụm cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Chiều dài nạo vét là 54 km, dự kiến thực hiện trong 14 tháng với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Bỉ (hơn 70 triệu Euro) cùng nguồn vốn đối ứng của UBND TP HCM.
![]() |
Sơ đồ luồng sông Soài Rạp.
Trước đó, chủ đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp là Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã xin rút vì không thể huy động được vốn. Sau đó, dự án được chuyển về cho Sở Giao thông Vận tải TP HCM làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều lần tổ chức đấu thầu mà không có nhà đầu tư nào tham gia vì khó thu hồi vốn nên UBND TP HCM đã kiến nghị Chính phủ cho triển khai dự án bằng nguồn vốn vay hỗ trợ phát trợ phát triển (ODA).
Hiện tàu biển từ biển Đông vào TP HCM phải vòng qua mũi Vũng Tàu, vịnh Rành Rái và các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè và Sài Gòn với quãng đường 85 km. Mặt khác, luồng Lòng Tàu không rộng, không đón được các tàu biển lớn ra vào. Điều này đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển của thành phố. Việc có được nguồn vốn để nạo vét luồng Soài Rạp cho tàu có trọng tải lớn vào lấy hàng tại cảng Hiệp Phước sẽ giúp việc di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TP HCM được nhanh hơn.
![]() |
Sau khi luồng sông Soài Rạp được nạo vét, các tàu biển có trọng tải lớn đến 70.000 tấn có thể ra vào cảng Hiệp Phước. Ảnh: H.C.
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP HCM) mới đây, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị song song với việc nạo vét luồng Soài Rạp để tàu biển lớn vào và để tránh lãng phí, thành phố cần đầu tư xây dựng, mở rộng đường vào cảng để đảm bảo sự đồng bộ để vừa phát triển kinh tế vừa giảm bớt tình trạng kẹt xe ở vùng nội thành.
Tại TP HCM, hiện 2 cảng Phú Hữu (quận 9) và Phú Định (quận 8) dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và đã hoàn thành, nhưng đang rơi vào tình trạng ế ẩm hoặc bỏ hoang do không có đường vào cảng.
Dự án nạo vét sông Soài Rạp được triển khai tại 4 tỉnh: Tiền Giang, Long An, TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm phục vụ di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua các cảng trên địa bàn TP HCM.
Dự án được khởi công vào cuối tháng 4/2009 và thực hiện 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 nạo vét đến độ sâu 9,5 mét để tàu có trọng tải 30.000-50.000 tấn cập cảng Hiệp Phước; giai đoạn 2 nạo vét đến độ sâu 11 mét cho tàu có trọng tải 50.000-70.000 tấn cập cảng; giai đoạn cuối cùng sẽ nạo vét đến độ sâu 12 mét để tàu có trọng tải 70.000 tấn cập cảng.
(Nguồn VnExpress)
Đại sứ Israel bất ngờ rời Ai Cập
Đại sứ Israel tại Ai Cập đã bất ngờ về nước để phản đối việc Tổng thống Ai Cập triệu Đại sứ Ai Cập tại Israel về nước. Trước đó, Đại sứ Israel cũng đã bị Tổng thống Morsi triệu tới để phản đối về các vụ tấn công của Tel Aviv ở dải Gaza.
Các vụ tấn công của Israel vào dải Daza gây thương vong cho hàng chục dân thường Palestine.
Một nguồn tin từ sân bay ngày 14/11 cho hay Đại sứ Israel và các nhân viên đã chính thức rời Ai Cập.
“Đại sứ Israel đã bất ngờ rời Ai Cập cùng với các nhân viên trong Đại sứ quán sau khi Ai Cập triệu hồi Đại sứ tại Tel Aviv để phản đối vụ Israel không kích dải Gaza", nguồn tin trên xác nhận.
Trước đó, trong tuyên bố phát trên truyền hình nhà nước, phát ngôn viên Phủ Tổng thống Ai Cập Yasser Ali cho biết Tổng thống Morsi rất quan ngại về các vụ tấn công liên tiếp trong những ngày gần đây của Israel vào dải Gaza.
“Tổng thống Mohamed Morsi đã theo dõi các vụ tấn công giết hại nhiều dân thường Palestin của Israel. Do vậy, ông đã triệu hồi Đại sứ tại Tel Aviv và chỉ thị cho phái đoàn đại diện của Ai Cập tại Liên hợp quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp khẩn cấp", người phát ngôn Yasser Ali nói.
Trước tình hình này, các ngoại trưởng Liên đoàn Arập (AL) tuyên bố sẽ nhóm họp khẩn cấp vào ngày 17/11 để giải quyết vụ việc liên quan tới các đợt không kích của Israel vào Gaza.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày bày tỏ vô cùng quan ngại về tình trạng leo thang căng thăng ở Gada, đồng thời yêu cầu chấm dứt mọi hành động bạo lực ở khu vực này.
Liên tiếp 4 ngày qua, quân đội Israel đã mở hàng chục cuộc tấn công cả trên bộ và trên không vào dải Gaza để trả đũa các vụ tấn công trước đó của các tay súng Palestin vào các thành phố ở phía Nam nước này.
Các cuộc tấn công của hai bên đã làm hàng chục người thương vong, gây quan ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh trong khu vực.
(Nguồn Dân trí)
Tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn