Đang truy cập :
45
Hôm nay :
5114
Tháng hiện tại
: 90090
Tổng lượt truy cập : 14167625
Đua nhau nuôi chuột thành... chồn nhung đen
Loài chuột đồng cỏ màu đen chính là chồn nhung đen mà nông dân Việt Nam đang đổ xô nuôi với giấc mộng làm giàu.
Thời gian gần đây, người dân khắp cả nước đua nhau nuôi loài vật gặm nhấm, với cái tên rất lạ: chồn nhung đen.
Từ chục năm nay, người dân nước ta đã biết đến mô hình kinh doanh kiểu đa cấp. Kết cục của mô hình này, là những ông chủ ôm cả đống tiền chuồn mất, để lại những khoản nợ nần chồng chất cho những người nhẹ dạ cả tin.
Loài gặm nhấm mà người dân, thậm chí các nhà khoa học gọi là chồn nhung đen, mới du nhập, được nghiên cứu, thử nghiệm ở nước ta mấy năm nay, cũng đã biến thành sản phẩm của mô hình đa cấp.
![]() |
Hàng ngàn nông dân ở nước ta đang nuôi "chồn nhung đen" . |
Như một mạng nhện, như bộ rễ khổng lồ, mô hình này đã lan ra cả nước. Hai đơn vị phổ biến mô hình này, là Công ty Giấc Mơ Việt và của một cá nhân, có tên Đoàn Việt Châu.
Để tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen, người nông dân phải bỏ ra ít nhất vài chục triệu, nhiều thì cả tỷ bạc để xây dựng chuồng trại, mua chồn từ những ông chủ công ty đa cấp này. Một đôi chồn, giá trị thực, đang được bán ngoài thị trường chỉ 200-300 ngàn đồng/ đôi, thì được họ bán với giá 4 triệu đồng/ đôi.
Ấy thế nhưng, người dân vẫn đổ xô tham gia mô hình, khiến mô hình kỳ quặc này lan nhanh như bão, từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Hết tỷ nọ đến tỷ kia đổ về túi các ông chủ, còn người dân thì vẫn đang ngây thơ với mộng làm giàu.
![]() |
Hệ thống đa cấp bán giống "chồn" với giá 4 triệu đồng/ cặp. |
Cũng giống như các mô hình đa cấp khác, tiền sẽ chỉ chảy từ túi người nọ sang người kia. Người nào nhanh chân, chớp thời cơ và rút nhanh thì kiếm chác được, còn phần lớn những người đến sau sẽ lãnh hậu quả.
Thật hài ước khi hàng trăm, cả ngàn hộ dân đang lập chuồng trại nuôi cả triệu con chồn, nhưng không biết nuôi để làm gì, bởi vì chẳng có nhà hàng nào nhập thịt chồn để chế biến, cũng chẳng thấy ai làm thịt chồn để ăn.
Một ông nông dân nuôi hàng trăm con chồn nhung đen cũng khẳng định không dám ăn thịt. Ông chủ của những mô hình đa cấp này cũng chẳng biết dùng thịt chồn làm gì.
Cách thức lừa đảo rất cũ, nhưng vẫn hiệu nghiệm, vì nó đánh vào lòng tham của người dân.
Chồn nhung đen là con gì?
Một số nhà khoa học nông nghiệp ở nước ta ca ngợi con chồn nhung đen lên tận… trời xanh. Rằng nó được lai giống từ chồn hoang dã, là loài vật thuộc họ gặm nhấm. Nó có hình thái khá giống thỏ, chỉ khác là cặp tai nhỏ như... chuột.
Loài vật này rất phù hợp với người nghèo, vì nó chỉ ăn cỏ, các loại rau, củ, nhưng lại đẻ nhiều, lớn nhanh, cho thịt nhiều dinh dưỡng và giá bán khá cao.
Tất nhiên, bán đi đâu thì chả ai biết, vì chưa thấy có siêu thị nào cung cấp thịt chồn nhung đen, cũng chưa thấy có nhà hàng nào phục vụ đặc sản này. Chỉ có cầy hương, chồn hương, loài thú rừng trong sách đó là vẫn từng ngày lên bàn nhậu.
Các nhà khoa học cũng khẳng định rằng, loài chồn này rất hiền lành và... không gây dịch bệnh, không phá hoạt mùa màng, không làm thay đổi sinh thái. Tóm lại, chúng rất hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường ở nước ta.
![]() |
Đây mới là loài chồn sống ở Nam Mỹ. |
Việc nuôi chồn nhung đen mang lại hiệu quả rất cao, bởi chúng có khả năng sinh sản như… chuột. Trung bình, một chồn cái đẻ 4 lứa một năm, mỗi lứa đẻ 3-4 chồn con, thậm chí tới 7 chồn con. Thời gian mang thai của chồn là 65 ngày. Chồn mẹ nuôi con bằng sữa và chỉ sau 21 ngày là cai sữa và chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản mới.
Chồn nhung đen là… chuột đồng cỏ Nam Mỹ
Trong khi các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam ca ngợi con chồn nhung đen, một số kẻ chớp thời cơ mở mô hình đa cấp để gom tiền của người nghèo, người người hồn nhiên mang giấc mộng thành tỷ phú, thì một anh bạn tôi ở tận nước Mỹ gọi điện về bảo rằng: “Ông phải cảnh báo cho người dân nước mình kẻo bị lừa quả đắng, còn đắng hơn vụ ốc bươu vàng hai chục năm trước. Đám lừa đảo hiện đang bán con chuột Nam Mỹ cho người dân với cái tên dịch ra tiếng Việt là “chồn nhung đen” với giá cắt cổ. Khi mô hình đa cấp đổ vỡ, người ta sẽ hàng triệu con chuột đồng cỏ Nam Mỹ này ra môi trường tự nhiên”.
Theo anh bạn tôi, loài chuột đồng cỏ Nam Mỹ này rất phổ biến ở các đồng cỏ thấp của miền Tây nước Mỹ, kéo dài đến tận New Mexico. Chúng rất phổ biến ở Đông Montana, Tây Nam và Bắc Dakota, đến tận Texas và cực Đông Nam Arizona.
Chúng là loài vật hoang dã, sống bầy đàn trên các đồng cỏ. 95% lượng thức ăn của chúng là các loại cây cỏ. Chúng cũng ăn côn trùng, nhưng số lượng không đáng kể. Chúng đào hang dưới lòng đất, tạo thành những hang ngầm lớn, thông với nhau như mạng nhện.
Loài chuột đồng cỏ Nam Mỹ có tính cộng đồng rất cao. Tuy nhiên, chúng vẫn có không gian riêng cho gia đình của mình. Gia đình chuột đồng sống cùng nhau trong một hang động riêng.
Vào mùa sinh sản, chuột đồng Nam Mỹ cái tha cỏ vào hang làm ổ rồi sinh đẻ. Chúng động dục mạnh vào thời điểm tháng 2. Một chú chuột đực sẽ “cưới” cả đàn chuột cái và quản lý hàng ngàn chuột con. Ngoài nhiệm vụ cảnh giới, chuột đực chỉ có nhiệm vụ thụ tinh để chuột cái mang bầu. Còn nuôi con, chăm sóc con cái là nhiệm vụ của các bà mẹ.
Loài chuột đồng cỏ này ngủ vào buổi trưa ở trong hang để trốn cái nóng. Chúng bò lên mặt đất và kiếm ăn vào lúc sáng và chiều. Những ngày mát mẻ, trời u ám, thì nó hoạt động cả ngày. Mùa đông, nó cũng không ngủ, nhưng hoạt động ít và ăn cũng ít.
Tuy nhiên, giờ đây, với sự xuất hiện của con người, của sự ô nhiễm hóa học, môi trường sống của loài chuột đồng cỏ đang bị thu hẹp dần. Căn bệnh dịch hạch cũng đã giết hại hàng trăm triệu con mỗi năm.
Người dân vùng Nam Mỹ cũng có thú săn chuột đồng cỏ. Vào buổi sáng hoặc chiều, những chú chuột to lớn này bò lên khỏi mặt đất, thậm chí đứng bằng hai chân quan sát kẻ địch, sẽ là tấm bia của các thợ săn. Đó cũng là nguyên nhân khiến loài chuột đồng cỏ Nam Mỹ suy giảm về số lượng.
Một số vùng dùng chuột đồng cỏ Nam Mỹ là món ăn giàu dinh dưỡng, song nhiều vùng giết bỏ, không ăn, vì nghĩ rằng chúng mang dịch bệnh.
Theo anh bạn tôi, chuột đồng Nam Mỹ có nhiều loại, với nhiều màu sắc khác nhau. Loài chuột đồng cỏ màu đen chính là chồn nhung đen mà nông dân Việt Nam đang đổ xô nuôi với giấc mộng làm giàu.
Sự thật về chồn nhung đen thế nào, mong rằng các nhà khoa học Việt Nam vào cuộc nghiên cứu, giải mã, để những người nông dân tránh bị lừa đảo.
(Nguồn VTC)
Cả nước sẽ dùng xăng sinh học
Xăng E5 sẽ được tiêu thụ tại 7 tỉnh thành từ ngày 1/12/2014 và áp dụng trên cả nước từ 1/12/2015.
Thủ tướng vừa ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Việc này áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế, phân phối và kinh doanh xăng, dầu tại Việt Nam cho động cơ xăng và diesel của các phương tiện cơ giới đường bộ, trừ các loại xăng, dầu đặc chủng của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.
Theo đó, từ ngày 1/12/2014, xăng sử dụng cho phương tiện đường bộ trên 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5. Từ ngày 1/12/2015, việc này sẽ được áp dụng trên toàn quốc.
![]() |
Xăng E5 sẽ được bắt buộc sử dụng trên toàn quốc từ cuối năm 2015. Ảnh: KC |
Đối với xăng E10, hai mốc thời gian trên lần lượt là 1/12/2016 và 1/12/2017. Trong thời gian chưa áp dụng tỷ lệ phối trộn theo lộ trình, chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và diesel B5 và B10.
Hiện mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5 gồm PV Oil, Petec và Saigon Petro. Để đảm bảo hoạt động liên tục, các nhà máy đã buộc phải xuất khẩu Ethanol sang một số nước như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng khả năng cạnh tranh rất kém do giá thành sản xuất còn cao.
Theo một số chuyên gia về cơ khí động lực, sản phẩm xăng E5 có 5% là cồn Etanol, trong xăng có trị số octan (trị số chống khả năng kích nổ của động cơ) mà Etanol làm tăng trị số octan nên thải ít chất độc hơn, sản phẩm đốt cháy là CO2 bà H2O, giảm ăn mòn máy móc hơn. Điều này rất tốt cho động cơ của phương tiện. Sử dụng xăng E5 còn giúp giảm lượng nguyên liệu tiêu thụ. Chính vì vậy người tiêu dùng còn được hưởng lợi về mặt kinh tế.
(Nguồn VnExpress)
Kiến nghị thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu
Ngay sau khi Bộ Tài chính dự thảo Thông tư về phí sử dụng đường bộ, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã kiến nghị thu phí qua xăng dầu, không nên thu trên đầu phương tiện, không để Bộ Giao thông quản lý quỹ này.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, cơ quan này đã có văn bản gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính... đề nghị xem xét một số vấn đề liên quan đến việc thu, quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
Theo ông Liên, không nên thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện mà cần thu theo giá xăng hoặc thu tại các trạm thu phí để đảm bảo công bằng khi phương tiện hoạt động trên đường.
"Xe hoạt động nhiều thì cần thu phí nhiều, nếu thu theo đầu phương tiện thì có nhiều xe bị hỏng cả năm hoặc bị tạm giữ do vi phạm giao thông mà vẫn phải đóng phí là bất hợp lý", ông Liên bày tỏ.
![]() |
Các loại phương tiện sẽ phải đóng phí bảo trì đường từ năm 2013. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Liên cho rằng, trên thế giới, phương án thu phí bảo trì đường theo giá xăng phổ biến hơn. Trung Quốc thường thu nguồn này gộp vào phí lưu hành đường bộ. Với những xe không sử dụng xăng dầu cho mục đích giao thông, ông Liên cho rằng, ngành tài chính sẽ trả lại như hoàn thuế VAT.
Ngoài ra, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị nguồn thu của Quỹ bảo trì cần nộp vào ngân sách, Nhà nước thống nhất quản lý và phân bổ theo Luật Ngân sách, như tiền phạt hành chính giao thông đường bộ. Cơ quan quản lý quỹ nên là Bộ Tài chính chứ không phải Bộ Giao thông Vận tải như dự thảo.
"Không nên để Bộ trưởng Bộ Giao thông làm Chủ tịch Hội đồng quỹ Trung ương, không thành lập các Hội đồng quản lý quỹ từ Trung ương đến địa phương. Bởi nếu thành lập bộ máy này sẽ tăng thêm khoảng 400 định viên có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng. Các bộ máy này sẽ kéo theo các chi phí văn phòng, tiền lương...", đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói thêm.
Hiệp hội này cũng kiến nghị, không nên để Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện bởi các trạm đăng kiểm hiện nay chưa hoạt động minh bạch, gây phiền phức cho chủ phương tiện.
Đề xuất này cũng đồng nhất với kiến nghị của một số Hiệp hội Vận tải trên cả nước. Mới đây, lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải tại TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng cùng kiến nghị lùi thời hạn thu phí bảo trì phương tiện sau 1/1/2013 theo kế hoạch của Chính phủ và thu phí theo xăng dầu thay cho theo đầu phương tiện.
Mới đây, Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư về phí sử dụng đường bộ mức thu phí bảo trì đường bộ với ôtô, xe máy, xe đạp điện bắt đầu từ ngày 1/1/2013. Theo đó, xe máy sẽ phải đóng mức phí 80.000 - 180.000 đồng một năm, tùy theo dung tích xi lanh. Mức phí đối với ôtô sẽ là 180.000 - 1.440.000 đồng một xe một tháng nhưng tối đa là 16.760.000 triệu đồng mỗi năm.
(Nguồn VnExpress)
Dịch vụ tìm chủ xe để sang tên
Gần đây, tại nhiều tỉnh thành vừa xuất hiện một dịch vụ mới: truy tìm chủ xe máy, ôtô để làm thủ tục sang tên, đổi chủ.
|
Một nhân viên dịch vụ truy tìm chủ xe hướng dẫn khách kiểm tra số khung, số máy - Ảnh: Q.QUÝ |
Trưa 22-11, chúng tôi gặp ông Mười, ngụ khu ngã tư Gò Mây (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM), chuyên đảm nhận dịch vụ tìm kiếm chủ xe máy các loại. Sau khi xem qua thông tin trên cà vẹt (giấy đăng ký xe), ông này khẳng định: “Truy tìm nguồn gốc, chủ chiếc xe này thì đơn giản thôi vì có cà vẹt thật và địa chỉ khá đầy đủ”.
“Trọn gói”
Theo ông Mười, do nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM đã thay đổi tên cũng như số nhà, hoặc nhiều trường hợp rủi ro như chủ xe đã chết hoặc bán nhà đi nơi khác... nên để gặp được chủ xe, ông sẽ cho các cộng sự đi khảo sát trước một vòng tìm địa chỉ ghi trên cà vẹt. Sau đó, ông sẽ đích thân tiếp cận và tìm gặp chủ xe.
“Khi gặp chủ xe, mình phải biết cách nói chuyện thật khéo để thuyết phục người ta đồng ý làm thủ tục sang tên xe cũ. Trong trường hợp chủ xe không chịu nhận xe hoặc không hợp tác thì phải cho họ ít tiền bồi dưỡng. Coi như tiền cà phê cà pháo thay cho một ngày công lao động của họ” - ông Mười nói.
“Phải xem cà vẹt mới nói giá được, như cà vẹt này địa chỉ ở trung tâm TP, tui chỉ lấy tiền công 1 triệu đồng. Phí trên chưa gồm phí công chứng mua bán” - ông nói. Theo đó, số tiền ứng trước là 500.000 đồng, số tiền còn lại (tức 50%) sẽ đưa vào ngày chủ xe ra phòng công chứng làm thủ tục. “Dễ thì khoảng 1-2 ngày là có kết quả, còn khó thì khoảng một tuần” - ông này nhẩm tính.
Ông Huân - một khách hàng của ông Mười, ngụ đường Độc Lập, Q.Tân Phú - cho biết chiếc xe Yamaha của ông mua lại từ một cửa hàng bán xe. Trước đây, ông có nhờ cửa hàng làm thủ tục công chứng mua bán, sang tên nhưng chủ cửa hàng nói chưa tìm được người đứng tên trong cà vẹt. “Do không rành thủ tục pháp lý cũng như không có thời gian đi tìm nên tui nhờ dịch vụ tìm giùm. Với lại như tính của tui, có tìm được chủ xe cũng không mạnh dạn ăn nói, thương lượng với họ được nên chịu bỏ ít tiền cho người ta lo giúp” - ông Huân nói.
Từ ngày nghị định 71 của Chính phủ có hiệu lực, nhiều tài xế xe ôm, nhiều điểm mua bán xe máy cũ kiêm thêm dịch vụ “truy tìm” chủ xe cũ cho những người có nhu cầu. Nhiều người in cả danh thiếp, số điện thoại, rao quảng cáo dịch vụ này khá xôm tụ trên mạng.
Ông Thanh (ngụ đường D2, Q.Bình Thạnh) kể ông vừa mua chiếc Exciter chưa tròn một tháng thì nghị định 71 có hiệu lực. Xe mang biển số tỉnh Bình Thuận nhưng mua ở một cửa hàng bán xe đã qua sử dụng trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú). Xem thông tin thấy mức xử phạt tăng hơn trước mấy lần nên ông phải gấp rút tìm chủ cũ sang tên để an tâm. Do vậy, ông Thanh phải nhờ đến dịch vụ “săn tìm” chủ xe.
Trưa 22-11, xem qua giấy tờ xe của ông Thanh, ông Thắng - một đầu mối dịch vụ chuyên nhận truy tìm “chính chủ” - chắc giá phí là 5 triệu đồng. Ông Thắng khẳng định trong vòng mười ngày, khách hàng sẽ lấy được hồ sơ gốc đem về Đắk Nông (nơi đăng ký hộ khẩu của ông Thanh) làm biển số mới, chỉ cần đóng thêm thuế trước bạ.
Theo đó, ông Thanh sẽ đưa cho ông Thắng chứng minh nhân dân, hộ khẩu photo, cà vẹt xe... Sau đó, ông này về Bình Thuận xác minh chủ xe là ai cũng như gặp cơ quan công an hỏi về tình trạng chiếc xe này như thế nào và làm thủ tục rút hồ sơ. Ông Thắng khoe ông quen nhiều người làm nhiều ngành nghề khác nhau tại các tỉnh thành nên việc tìm ra địa chỉ của một chủ xe không khó. Để khách yên tâm, ông Thắng viết giấy tay cam kết chỉ nhận tiền khi trả hồ sơ cho khách.
Cũng theo lời ông này, hơn một tuần nay rất nhiều khách hàng liên hệ với ông để rút hồ sơ gốc của xe về tỉnh. Ông vừa tìm chủ của xe SH biển số TP.HCM cho một khách hàng tận tỉnh Hải Dương với giá bao trọn gói 8 triệu đồng (tìm chủ xe, sang tên đổi chủ).
Hợp tác xã cũng... vào cuộc
Tại Hà Nội, hiện có cả một số công ty, hợp tác xã... nhận làm dịch vụ “truy tìm” chủ ôtô, xe máy. Ông Lưu Văn Sáng, phụ trách dịch vụ tìm kiếm chủ xe của một hợp tác xã ở Q.Cầu Giấy, cho biết mỗi ngày có 30-40 cuộc điện thoại hỏi thông tin, đề nghị tư vấn liên quan đến dịch vụ trên.
“Chúng tôi đã tiếp nhận một số yêu cầu nhưng đang trong quá trình điều tra, xác minh” - ông Sáng nói. Theo ông, giá tìm một chủ ôtô từ 1,2-1,5 triệu đồng. Đối với chủ xe máy, giá từ 1-1,2 triệu đồng. Mức giá trên dao động tùy thuộc vào khoảng cách xa, gần với trung tâm Hà Nội. Dịch vụ này còn nhận hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để làm thủ tục đăng ký sang tên cũng như nhận ủy thác làm thủ tục đăng ký, sang tên, di chuyển xe.
“Nhiều khó khăn cho người tự đi tìm chủ xe như địa chỉ chung chung, địa chỉ đã thay đổi, chủ xe không có mặt tại địa chỉ... Và họ còn có thể gặp khó khăn trong việc tra cứu tàng thư đăng ký phương tiện giao thông, tra cứu tàng thư chứng minh nhân dân, tra cứu sổ đăng ký thường trú... Còn chúng tôi có thể giải quyết được những khúc mắc này” - ông Sáng nói.
Từ thông tin trên website www.timchuxe..., chúng tôi liên lạc với bà Thúy Anh, đại diện của một công ty ở Hà Nội vừa có dịch vụ hỗ trợ tìm chủ xe. Bà Anh cho biết khách hàng có nhu cầu tìm chủ xe sẽ gửi qua email bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu, ảnh chụp cà vẹt xe, ảnh của khách hàng bên chiếc xe. Những thông tin trên sẽ được bảo mật. Sau đó, tùy vào nhu cầu tìm kiếm nhanh hay chậm, nhân viên kinh doanh của dịch vụ sẽ đi xác minh tìm chủ xe.
“Hiện chúng tôi đã tìm được một số chủ xe và tiếp nhận nhiều yêu cầu tìm chủ xe mới. Tùy vào yêu cầu cụ thể của khách mà chi phí từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng” - bà Anh nói.
(Nguồn Tuổi trẻ)
Hai xe va chạm, hơn 20 người bị thương
Vào khoảng 4 giờ sáng nay 26.11, tại trung tâm thành phố mới Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa một xe khách và một xe tải.
Theo một số nhân chứng, lúc xảy ra vụ tai nạn, xe khách mang biển số 69K-5027 do tài xế Võ Thanh Sang (41 tuổi, quê Cà Mau) điều khiển đang lưu thông trên đường Trần Quốc Toản và chở gần 30 hành khách từ Cà Mau đi Bình Phước, còn xe tải mang biển số 61H-1848 đi trên đường Lê Lợi hướng từ trung tâm thành phố mới Bình Dương về H.Bến Cát (Bình Dương).
|
Khi hai xe này đến giao lộ đường Trần Quốc Toản - Lê Lợi (giao lộ có đèn tín hiện giao thông - PV) thì xảy ra va chạm rất mạnh, khiến tài xế của chiếc xe khách văng xuống đường và chiếc xe khách đã di chuyển khoảng 100 mét trong tình trạng "không người lái" trước khi lao vào bãi đất trống bên đường.
Sau khi tai nạn xảy ra, đã có trên 20 người bị thương được đưa đến Bệnh viện đa khoa Bình Dương để cấp cứu, trong đó tài xế xe khách Võ Thanh Sang bị đa chấn thương và nhiều hành khách khác bị thương rất nặng.
(Nguồn Thanh niên)
Gaza thiệt hại 1,2 tỉ USD vì cuộc không kích của Israel
Cuộc không kích kéo dài 8 ngày của Israel đã gây ra các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp tại Dải Gaza lên tới hơn 1,2 tỉ USD, một phát ngôn viên của chính quyền Hamas cho biết hôm 25.11.
“Tổng chi phí thiệt hại từ cuộc tấn công của Israel là 1,245 tỉ USD”, phát ngôn viên Taher al-Nunu nói với các phóng viên ở Gaza.
Theo hãng tin AFP dẫn lời al-Nunu, thiệt hại trực tiếp từ hơn một tuần Israel không kích vào Dải Gaza là 545 triệu USD, trong khi thiệt hại gián tiếp là khoảng 700 triệu USD.
|
Al-Nunu cho biết vụ không kích trên đã phá hủy hoàn toàn 200 ngôi nhà và phá hỏng một phần 8.000 ngôi nhà khác.
42 tòa nhà không dân cư, trong đó có các trụ sở chính quyền Hamas, cũng bị phá hủy hoàn toàn. Ba đền thờ Hồi giáo và một trung tâm y tế đã bị san bằng, theo al-Nunu.
Trong suốt chiến dịch, quân đội Israel cho biết họ đã bắn trúng hơn 1.500 mục tiêu, bao gồm 19 trung tâm chỉ huy, 26 cơ sở sản xuất, cất giữ vũ khí và “hàng trăm bệ phóng rốc két ngầm" cũng như “hàng chục” bệ phóng rốc két tầm xa.
Số liệu thống kê do Bộ Y tế thuộc Hamas công bố cho thấy, từ ngày 14-21.11, 166 người dân Gaza thiệt mạng, hầu hết là dân thường và 1.235 người khác bị thương.
Tại Israel, tên lửa phóng từ Gaza đã giết chết 6 người Israel - bốn dân thường và hai binh sĩ - trong khi 240 người khác bị thương, quân đội Israel cho biết.
(Nguồn Thanh niên)
Pakistan: 13 người chết vì sirô ho nhiễm độc
Ít nhất 13 người thiệt mạng và nhiều người khác đang trong tình trạng nguy kịch sau khi uống phải sirô ho nhiễm độc ở thành phố Lahore, miền đông Pakistan. Vụ việc đang được cảnh sát điều tra.
|
Các nạn nhân được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: samaa.tv |
Tân Hoa xã dẫn nguồn tin cảnh sát địa phương cho biết hơn 20 người nghiện ma túy đã uống loại sirô ho trên - do một công ty trong nước sản xuất, có giá chỉ 40 rupees (0,42 USD) và được bán tại nhiều hiệu thuốc trong thành phố. Tuy nhiên chỉ vài chục phút sau, họ bị ngộ độc và 5 người đã chết tại hiện trường.
Số nạn nhân còn lại được chuyển tới một bệnh viện nhà nước. Tại đây các bác sĩ kiểm tra và phát hiện thành phần thuốc đã bị pha trộn, gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ quan nội tạng của các nạn nhân.
Đến tối qua 25-11, thêm 8 người nữa chết tại bệnh viện, 7-10 người khác đang trong tình trạng nguy kịch.
Ngay khi được tin báo vụ việc, lãnh đạo chính quyền thành phố đã chỉ đạo cảnh sát niêm phong công ty sản xuất sirô ho nói trên và các hiệu thuốc đã bán loại thuốc này cho các nạn nhân. Ông cũng thành lập một ủy ban điều tra, yêu cầu phải có báo cáo trong vòng 72 giờ.
Theo thông tin mới nhất, chủ ba hiệu thuốc bán loại sirô trên đã bị bắt và mẫu sirô gây ngộ độc đã được đưa đi xét nghiệm.
Tại Ấn Độ, thuốc giả được bày bán tràn lan với sự nhúng tay của nhiều công ty dược địa phương. Trong quá khứ, nhà chức trách đã bắt giữ một số dược sĩ sản xuất thuốc không đạt chất lượng, tuy nhiên do lỗ hổng của pháp luật nên không ai bị trừng phạt đích đáng.
(Nguồn Tuổi trẻ)
Mưa lụt nhấn chìm hơn 800 căn nhà tại Anh, 2 người chết
Những cơn mưa lớn kéo dài suốt từ hôm 21/11 đến nay đang khiến nhiều vùng của nước Anh ngập dưới hàng mét nước. Hơn 800 ngôi nhà bị ngập nặng và ít nhất 2 người đã tử vong.
(Nguồn Dân trí)
Tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn