Đang truy cập :
94
Hôm nay :
22272
Tháng hiện tại
: 562223
Tổng lượt truy cập : 20027069
Giá xăng dầu có thể bị đẩy cao
Giá xăng dầu có thể bị đẩy lên cao bởi chi phí kinh doanh sẽ được điều chỉnh theo thị trường. Qua kiểm toán Petrolimex, mức phí bình quân đã trên dưới 1.000 đồng/lít, cao hơn 400 đồng so với định mức hiện nay
Tăng thêm 400-500 đồng/lít?
Một trong những điểm nghẽn bất minh trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay đã được nhiều giới khẳng định là chi phí kinh doanh. Đây là một trong 10 yếu tố cấu thành giá cơ sở- căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ. Nhưng nội hàm của khoản chi phí này lại khá phức tạp, khó kiểm soát, bao gồm tiền lương, chi phí tài chính, tỷ giá, chi phí hao hụt, thù lao đại lý, cước vận tải...
Tại Thông tư 234 ban hành từ năm 2009, chi phí này được "ấn định" là 600 đồng/lít đối với xăng, dầu hỏa, dầu diezen và 400 đồng/kg cho dầu madut bán buôn.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Đại biểu Quốc hội vừa qua, mức phí này ở Tập đoàn Petrolimex lại rất lớn. Chi phí kinh doanh xăng dầu nội địa của Petrolimex năm 2011 là 995 đồng/lít,kg.
Trong đó, chi phí bán hàng nội địa bình quân thực tế là 628 đồng/lít, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Kế đến là chi phí tài chính bình quân là 190 đồng/lít, chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 và chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 là chi phí hao hụt bình quân là 189 đồng/lít. Các thu nhập khác liên quan phân bổ giảm chi phí kinh doanh là âm 12 đồng/lít.
Trong khoản chi phí kinh doanh trên, thù lao đại lý của Petrolimex không tính đến do Tập đoàn này đã giảm trừ trực tiếp vào hóa đơn bán hàng cho các đại lý.
Phí kinh doanh theo thị trường, giá xăng dầu sẽ tăng?
Kiểm toán Nhà nước nhận định, có nhiều khoản chi đã tăng mạnh đẩy tổng chi phí kinh doanh tăng cao, như cước vận tải, rồi tiền lương, chiếm 12,8% bình quân 127 đồng/lít,kg, chi phí khấu hao tài sản cố định được tính tối đa chiếm khoảng 4,62%, tương ứng 46 đồng/lít,kg.
Không chỉ vậy, khi phân tích công thức tính giá cơ sở, Kiểm toán Nhà nước còn đưa thêm một số liệu khác. Đó là con số tổng chi phí lưu thông nội địa bình quân toàn tập đoàn Petrolimex là 1.123 đồng/lít,kg. Trong đó, chi phí bán hàng, chi phí quản lý thực tế có hóa đơn chứng từ hợp lệ bình quân đã là 987 đồng/lít,kg và thù lao đại lý bình quân đã là 136 đồng/lít, kg.
Có thể thấy, chi phí kinh doanh thực tế của Petrolimex đã vượt gấp gần 2 lần so với con số định mức do Bộ Tài chính quy định.
Không chỉ riêng Petrolimex, hầu hết các DN đầu mối đều khẳng định, mức phí thực sự mà họ phải chi ra lên tới 900-1.000 đồng/lít, tức là cao hơn ít nhất là 300-400 theo quy định. Ngay ở các bản dự thảo "cũ" sửa đổi Thông tư 234 được bàn từ tháng 4/2011, mức phí này đã từng được Liên Bộ Tài chính- Công Thương hoạch định tăng tới 860 đồng/lít.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã kết luận, khoản chi phí kinh doanh định mức hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Điều này gây lo ngại, khi Bộ Tài chính sửa chi phí này theo thị trường thì giá cơ sở xăng dầu sẽ tăng, kéo theo, giá bán lẻ cũng sẽ phải tăng! Nhất là tới đây, dự thảo mới nhất sửa đổi Thông tư 234 đã nêu, Bộ Tài chính sẽ quyết khoản phí này theo kiểu tính "mềm", công bố tùy theo từng giai đoạn. Đáng ngại hơn, Bộ Tài chính lại chưa công bố rõ ràng nguyên tắc điều chỉnh chi phí kinh doanh là dựa theo "chuẩn nào"?
Theo Bộ Công Thương, chi phí kinh doanh có thể điều chỉnh theo hệ số trượt giá. Nó cũng tương tự như câu chuyện các hãng xe taxi hay giá vé xe bus... được điều chỉnh theo lạm phát.
Giả sử lạm phát năm 2012 dự kiến 7% thì lạm phát cộng dồn trong 3 năm qua sẽ lên tới 36,88%. Tăng theo lạm phát thì mức chi phí kinh doanh sẽ vào khoảng trên 820 -860 đồng/lít, nghĩa là, mức tăng ít nhất là 260 đồng/lít so với hiện tại.
Còn nếu nguyên tắc điều chỉnh lại dựa theo kết quả kiểm toán các DN đầu mối xăng dầu thì phải chăng, mức phí trên sẽ lên tới 900-1000 đồng/lít. Và như vậy, giá cơ sở xăng dầu sẽ bị đẩy lên ít nhất là 400-500 đồng/lít,kg. Tới lúc đó, giá bán lẻ xăng dầu cũng sẽ buộc phải tăng theo để ngang bằng với giá cơ sở.
Thiếu minh bạch lỗ lãi xăng dầu
Trong khi Bộ Tài chính chỉ có ý định sửa chi phí kinh doanh thì Kiểm toán Nhà nước còn cho rằng, cần nghiên cứu lại cả công thức giá cơ sở xăng dầu. Cơ quan này phân tích có tới 4 yếu tố khiến cho giá cơ sở xa rời thực tiễn.
Không sát thực tế giá vốn của DN đầu tiên là yếu tố giá xăng dầu thế giới. Khi tính giá bình quân 30 ngày giao dịch trên thị trường Singapore theo công bố của tờ Platt' Singapore, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, phương pháp này chỉ giúp cho công tác quản lý của Nhà nước thuận lợi hơn, dễ kiểm soát vì hình thành duy nhất một giá bán lẻ cho tất cả các DN đầu mối.
Tuy nhiên, trong 30 ngày, mỗi DN sẽ có số lần nhập, số lượng nhập, mức giá nhập rất khác nhau, chưa kể, giá vốn hàng tồn cũng khác nhau nên giá vốn xăng dầu bình quân tại các DN không chỉ khác nhau mà còn rất khác biệt với cả giá cơ sở này. Nếu tính giá cơ sở theo giá vốn bình quân thực tế này thì sẽ thấy rõ có sự chênh lệch này.
Vì lẽ đó, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, các khoảng chênh lệch cao thấp giữa giá bán lẻ và giá cơ sở như các Bộ công bố vừa qua chưa thể nói lên tình hình thực sự lỗ lãi của DN. Hơn nữa, việc quyết toán lỗ lãi sẽ phải tính theo chu kỳ kinh doanh và đảm bảo quyết toán đủ các yếu tố doanh thu, chi phí.
Đó là lý do mà từ khi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ dựa trên giá cơ sở ra đời, nhiều cuộc tranh cãi về lỗ, lãi của DN đã nảy sinh kéo dài triền miên. Trong khi bảng giá này chưa khi nào được đăng tải công khai trên các cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương như yêu cầu cần công khai minh bạch của Nghị định 84.
Yếu tố nhuận định mức 300 đồng/lít theo Kiểm toán cũng không thể sát với thực tế của DN. Nhất là khi vừa qua, cả cơ quan quản lý cũng như các DN đều chưa công khai, minh bạch những thông tin liên quan chỉ tiêu lợi nhuận.
Cùng đó, chính sách thuế nhiều giai đoạn được Bộ Tài chính điều chỉnh không kịp thời, có lúc góp phần tạo nên trạng thái tăng nhanh, giảm chậm giá bán lẻ. Tỷ giá bình quân để quy đổi giá CIF theo đồng Việt Nam cũng không được thống nhất, mỗi DN hiểu khác nhau khiến cho, thước đo hiệu quả kinh doanh thực sự của DN và hiệu quả kinh doanh theo cách tính giá cơ sở chênh lệch lớn.
Với nhiều phân tích trên, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, cách quản lý kinh doanh xăng dầu như vậy đã gây hiểu lầm, thiếu minh bạch trong xác định lãi lỗ, tạo nên những thắc mắc, nghi ngờ DN gian lận và nghi ngờ khả năng quản lý của cơ quan công quyền.
Tháng 12 tới, Bộ Công Thương mới trình Thủ tướng bản đánh giá toàn diện Nghị định 84.
(Nguồn Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam)
Chưa thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập
Sáng 23/11, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng, tuy nhiên, nội dung thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập hay Ủy ban điều tra về tham nhũng thuộc Quốc hội chưa được đưa vào luật.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đề xuất của đại biểu Quốc hội thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phòng chống tham nhũng nên nội dung này sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không đưa vào Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Với những kiến nghị thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề đổi mới quan trọng liên quan tới Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Do đó, cần có thời gian đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, vì vậy, Quốc hội cần giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.
![]() |
Nhiều đại biểu đề nghị lập cơ quan điều tra độc lập về tham nhũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về nội dung thành lập cơ quan điều tra độc lập có một số thẩm quyền điều tra đặc biệt cũng đang được Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu trong việc chuẩn bị dự án Luật tổ chức điều tra hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Do đó, nội dung này cũng chưa được bổ sung vào Luật phòng chống tham nhũng vừa thông qua.
Tuy nhiên, Luật phòng chống tham nhũng đã được bổ sung một số lĩnh vực cần công khai, minh bạch như trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, nông nghiệp và nông thôn, an sinh xã hội; chính sách dân tộc… Đồng thời đã chỉnh lý lại các lĩnh vực phải công khai, minh bạch của Luật hiện hành.
Luật cũng giữ nguyên nhóm đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản, song không mở rộng đối tượng bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai vì việc mở rộng đối với các đối tượng này là khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động.
Tại các phiên thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề nghị thành lập cơ quan chống tham nhũng mang thiết chế nhà nước, có văn phòng ở các tỉnh nhưng thuộc chỉ đạo của Bộ Chính trị. Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị thành lập Ủy ban Phòng chống tham nhũng của Quốc hội, xác lập cơ chế giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành từ 1/2/2013.
(Nguồn VnExpress)
Không hoãn xử phạt xe không chính chủ
Trường hợp mua bán xe có giấy ủy quyền mua bán thì vẫn được pháp luật công nhận, công an không xử phạt.
Ngày 22/11, lãnh đạo Bộ Công an cho biết sẽ không hoãn xử phạt xe không chính chủ. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông sẽ không tự tiện dừng xe để phạt lỗi này mà chỉ xử phạt những xe bị dừng do vi phạm giao thông.
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, nghị định 71 đã ban hành, cảnh sát giao thông sẽ không hoãn xử phạt các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, khi báo chí thông tin về vấn đề xe không chính chủ thì Bộ Công an đã chỉ đạo nếu phương tiện có vi phạm giao thông đường bộ mà không chính chủ thì mới xử phạt lỗi này. Cảnh sát giao thông sẽ không tự tiện dừng phương tiện để phạt lỗi xe không chính chủ.
Ngoài ra, với trường hợp mua bán xe có giấy ủy quyền mua bán thì vẫn được pháp luật công nhận, công an không xử phạt. Bộ cũng sẽ sớm có hướng dẫn các phương tiện sang tên đổi chủ theo chiều hướng đơn giản hóa thủ tục. Với những xe bị mất giấy tờ nếu người dân cam kết thì công an sẽ đi xác minh, thông báo công khai phương tiện đó có vấn đề gì không, nếu không thì sẽ được hợp thức hóa.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho rằng: "Giảm phí trước bạ giúp nhà nước vừa thu được phí cũng như tạo thuận lợi cho dân. Mức phí hiện nay với ôtô là 12%, theo tôi cần giảm xuống từ 1 đến 5%. Vấn đề này Bộ Tài chính sẽ cân đối".
(Nguồn Người đưa tin)
Tài xế lắp camera “bắt lỗi” lại cảnh sát
Nhờ lắp camera hành trình trên ôtô mà nhiều tài xế đã tránh được việc bị cảnh sát giao thông (CSGT) ép vào các lỗi vi phạm như lấn tuyến, không bật xi nhan hay vượt đèn đỏ, nhờ đó không ít người đã thoát việc bị phạt oan.
Xem hình, CSGT mới... chịu
Mới đây, khi đang chạy trên cao tốc Cầu Giẽ, ôtô của anh Lê Quý Ly (ngụ ở 678 La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được tín hiệu xi nhan xin tấp vào lề của xe tải chạy phía trước vì “có dấu hiệu sự cố”. Tuy nhiên, chạy hơn 1km mà chiếc xe tải vẫn bật xi nhan, chạy với tốc độ rất chậm chứ không tấp vào làn trong hoặc dừng lại. Tình thế buộc anh Ly phải cho xe đè vạch để vượt.
Chưa đầy 30 giây sau khi vượt xe tải kia, xe anh Ly được CSGT chỉ gậy ra dấu tấp vào lề. Ý thức được mình mắc lỗi, anh trình bày lý do vì có “chướng ngại vật” của xe tải phía trước. Oái oăm thay, sau hơn một phút trình bày, cả CSGT lẫn anh Ly không còn nhìn thấy chiếc xe tải “có biểu hiện sự cố” kia ở đằng sau nữa, mà nó đã tăng tốc và hoàn toàn mất hút. “Khi ấy CSGT cho rằng tôi bịa ra lý do để không bị phạt, nhưng may mà camera hành trình trên xe đã ghi lại toàn bộ sự việc. Sau khi tôi cho tổ CSGT xem lại, họ đã cất biên bản để tôi đi”, anh Ly kể.
Thời gian gần đây, những trường hợp dùng camera hành trình để ghi lại hình ảnh trong quá trình xe lưu thông bị bắt lỗi như trường hợp anh Ly không hề hy hữu. Thậm chí, trên các diễn đàn mạng của các chuyên trang ôtô xe máy, nhiều thành viên còn mách nhau sắm thiết bị này để “đối phó” với CSGT trong thời buổi mức phạt tăng nặng, đặc biệt trong nhiều trường hợp họ bị bắt lỗi vì “phải” đè vạch, lấn tuyến, vượt đèn vàng hay xi nhan mất tín hiệu...
Máy quay nhỏ đặt trên xe có thể ghi lại không chỉ các lỗi đèn tín hiệu mà ngay các lỗi lấn làn, đè vạch đều được thể hiện rất rõ
Theo quan sát của chúng tôi, đó là một chiếc máy quay nhỏ hơn lòng bàn tay, có thêm chân đế để gắn vào kính ôtô. Máy có ống kính góc rộng nên có thể bao quát đường đi, phát hiện không chỉ các lỗi đèn tín hiệu phía trước mà ngay các lỗi lấn làn, đè vạch hai bên hông xe đều được ghi lại rất rõ. Máy chạy bằng điện nguồn của ôtô, có thẻ nhớ với dung lượng tối đa 32G nên có thể ghi hình từ 6 – 8 tiếng liên tục; máy có màn hình HD để có thể xem lại hình ảnh trực tiếp trên máy. Đặc biệt, khi khởi động xe là máy tự động ghi hình, khi tắt máy thì camera cũng tự động tắt theo. Có thể mua máy tại các cửa hàng nội thất ôtô hoặc các cửa hàng chuyên máy ảnh – camera với giá từ 900.000 đồng đến 2 triệu đồng tuỳ loại.
“Làm đúng thì không có gì phải sợ”
Trao đổi với một số CSGT, nhiều chiến sĩ cho biết đã gặp không ít tình huống người vi phạm vì chính hình ảnh họ quay được mà “tâm phục khẩu phục” khi bị phạt; cũng có trường hợp người bị bắt lỗi được minh oan; và thậm chí có trường hợp người vi phạm dùng camera để “mặc cả”, ra điều kiện với CSGT.
Thiếu uý Trần Xuân Quỳnh (đội CSGT số 2, phòng CSGT Công an Hà Nội) nói, anh đã gặp khá nhiều trường hợp tài xế lắp camera hành trình trên mui xe hoặc cửa kính trước xe. Theo anh Quỳnh, thiết bị này như “hộp đen”, lưu lại toàn bộ hoạt động từ khi khởi động đến khi xe tắt máy. “Có trường hợp người vi phạm cãi cố này nọ, tôi biết họ có camera và nói có thể bật lại xem luôn. Khi đó có người thành thật nhận mình sai nhưng cũng trình bày vì giờ cao điểm, xe đông. Thấy thái độ họ đúng mực thì mình cũng thông cảm được”, thiếu uý Quỳnh nói.
Dù vậy, anh Quỳnh cũng thừa nhận đã gặp trường hợp mất tín hiệu xi nhan khi chuyển hướng do có sự cố bất ngờ, dẫn đến tranh cãi giữa CSGT và người điều khiển ôtô. “Sau đó xem lại hình thì đúng là do đánh lái bất ngờ vì sự cố. Khi đó mình cũng hiểu, khác với xe máy, ôtô sẽ bị mất tín hiệu xi nhan nên trong trường hợp này lỗi thuộc về... cả hai bên, vậy nên không cớ gì CSGT lại xử phạt người dân được”, thiếu uý Quỳnh nói.
Còn theo thượng tá Lê Đức Đoàn (đội CSGT số 1) – người từng được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” – không ít trường hợp lái xe vi phạm sau một hồi xin xỏ không được liền quay ra “hù doạ” CSGT đã có thái độ không đúng lễ tiết của ngành. “Khi đó tôi nói ngay: tôi có gì sai anh cứ phản ánh, tố cáo với cấp trên, tôi sẽ chịu trách nhiệm. Còn lúc này anh phạm lỗi thì tôi phải lập biên bản đã”.
Ông Đoàn nhấn mạnh: Nếu mình có trách nhiệm với xã hội, làm đúng quy định thì không việc gì phải e ngại. Đặc biệt ông còn khuyến khích người dân dùng thiết bị này để chứng minh lỗi của mình nếu thật sự bị oan. Theo ông, đó cũng là một cách để giám sát những người thực thi công vụ được nghiêm túc, bởi không loại trừ “tay có ngón dài ngón ngắn”, có người lợi dụng công vụ để xử ép dân. Nó như một cảnh báo để mỗi cán bộ công an phải làm đúng, làm chuẩn mực nhiệm vụ, tác phong của mình.
Chí Hiếu (Nguồn Sài Gòn tiếp thị)
Quảng Ngãi: Người nhà sản phụ cầu cứu bộ trưởng
Sáng 23-11, bà Trương Thị Đẩu (mẹ sản phụ Bùi Thị Mỹ Ly) - cho biết gia đình vừa gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Y tế nhờ can thiệp trong vụ trẻ sơ sinh (con chị Ly) vừa mổ đã chết lâm sàng tạiBệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Bà Đẩu cho biết gia đình đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều ngành chức năng. Trong đó có thư tay cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, UBND, Sở Y tế, Công an và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi… để yêu cầu làm rõ vụ việc. Đến sáng nay, khi tiếp nhận đơn khiếu nại, Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã gặp gia đình để lấy lời khai…
Công văn yêu cầu Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi báo cáo gửi về bộ trước ngày 27-11 cùng diễn biến sự việc và cách xử lý các bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện này.
Bắt cóc con tin để đòi thủ tướng từ chức
Sáng nay 23.11, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ được một người đàn ông cầm dao đe dọa 5 con tin trong suốt hơn 12 giờ đồng hồ để yêu cầu Thủ tướng Yoshihiko Noda từ chức.
Tại cuộc họp báo, đại diện cảnh sát địa phương cho biết kẻ bắt cóc con tin được xác định là Koji Nagakubo, theo hãng tin AFP.
|
Nghi phạm 32 tuổi này đã xông vào chi nhánh ngân hàng Toyokawa Shinkin ở thành phố Toyokawa thuộc tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản vào chiều tối 22.11, bắt giữ 4 nhân viên ngân hàng và một khách hàng làm con tin, đài NHK đưa tin.
Ngay sau khi được cấp báo, hơn 10 cảnh sát với đầy đủ thiết bị phòng vệ đã phá cửa sổ tầng hai để xuống tầng một, nhanh chóng vô hiệu hóa được Nagakubo, khi đó đang cầm dao chĩa vào các con tin.
Phát ngôn viên cảnh sát cho biết không ai trong các con tin bị thương nhưng theo các phương tiện truyền thông địa phương, một nữ nhân viên ngân hàng đã bị thương nhẹ.
Cảnh sát Nhật đang điều tra làm rõ động cơ của Nagakubo, theo đài NHK.
Được biết, Thủ tướng Noda hồi tuần trước đã giải tán Hạ viện và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm, dự kiến là vào ngày 16.12 tới.
(Nguồn Thanh niên)
119 nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp
Tính đến thời điểm này trong năm nay, có tổng cộng 119 nhà báo đã thiệt mạng trong khi tác nghiệp, Viện báo chí quốc tế (IPI) có trụ sở tại thủ đô Vienna (Áo) cho biết hôm 22.11.
Đây là số nhà báo thiệt mạng cao nhất kể từ năm 1997, thời điểm IPI bắt đầu theo dõi các số liệu, hãng AFP đưa tin.
|
Chỉ riêng ở Syria, 36 nhà báo đã thiệt mạng trong năm nay.
IPI cho biết họ đã quan sát thấy một xu hướng “đáng báo động” về việc các nhà báo đang trở thành mục tiêu bị tấn công, thường là để “ngăn chặn việc công bố thông tin”, theo hãng AFP.
Sau Syria, Somalia cũng là nơi tác nghiệp đầy nguy hiểm cho các nhà báo với 16 nhà báo thiệt mạng, tiếp đến là Mexico, Pakistan và Philippines, IPI cho hay.
Số nhà báo thiệt mạng cao nhất trước đây là 110 người trong năm 2009 và năm ngoái con số này là 102 người.
(Nguồn Thanh niên)
Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng tên lửa, Seoul triển khai tên lửa hành trình
Hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa tầm xa, một tờ báo Nhật cho hay. Trong khi đó phía Hàn Quốc vừa triển khai cho các tàu khu trục một loại tên lửa hành trình mới, do nước này tự chế.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Theo tờ báo của Nhật Asahi Shimbun, Triều Tiên đã di chuyển các bộ phận tên lửa từ nhà máy quân sự ở Bình Nhưỡng tới một bệ phóng ở Tongchang-ri, tây bắc nước này vào đầu tháng 11.
Chính phủ Mỹ đã thông báo cho các đối tác ở Nhật và Hàn Quốc về động thái này và ba nước đã tăng cường cảnh giác.
Những động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng rocket bất thành hồi tháng 4, mà Bình Nhưỡng cho biết là nhằm đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Rocket khi đó cũng được phóng từ đúng bệ phóng bị tình nghi hiện nay.
Tuy nhiên, theo tờ báo, mặc dù Bình Nhưỡng đã sẵn sàng phóng tên lửa vào cuối tháng này, nhưng chắc chắn vụ phóng chưa được thực hiện trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng tới.
Cho tới nay Bình Nhưỡng chưa công bố về bất kỳ kế hoạch phóng nào. Phía chính phủ Nhật cũng không xác nhận thông tin, trong khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết không bình luận các vấn đề tình báo.
Hàn Quốc triển khai tên lửa hành trình mới
Trong khi đó tại Hàn Quốc, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao cho biết, nước này đã trang bị cho 2 tàu khu trục hải quân 32 tên lửa Hyunmu kiểu 3C Tomahawk. Các tên lửa này có tầm xa 400km, có khả năng vươn tới các mục tiêu ở những ngóc ngách xa nhất của Triều Tiên.
Một quan chức giấu tên cho biết việc triển khai một phần là phản ứng với sự hiện diện ngày càng tăng cao của hải quân Triều Tiên ở ngoài khơi bờ tây của bán đảo Triều Tiên.
Gần đây Triều Tiên đã hoàn thành căn cứ tàu đệm khí Koampo, bờ biển tây nam nước này. Căn cứ có thể được dùng để tấn công các đảo Hàn Quốc, gần đường biên giới tranh chấp trên Hoàng Hải.
Phía Seoul cũng củng cố sự hiện diện của quân đội và nâng cấp vũ khí ở nhiều đảo “tiền tuyến” sau vụ nã pháo của Triều Tiên vào đảo Yeonpyeong đúng hai năm trước, khiến 2 lính thủy đánh bộ, 2 thường dân thiệt mạng. Nhiều hoạt động tưởng niệm vụ việc đã diễn ra ở trên đảo này vào ngày hôm nay.
(Nguồn Dân trí)
Tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn