Hà Nội: Bệnh nhân chết lâm sàng, người nhà bao vây bệnh viện/ Bộ Tài chính cân nhắc giảm phí trước bạ ôtô cũ/ Thông xe cầu vượt lắp ghép lớn nhất Hà Nội/ Báo động 1/3 thịt tươi sống nhiễm khuẩn gây bệnh thương hàn/ Thanh Hóa: Nữ sinh bị đánh, xé áo trước mặt mọi người/ Máy bay ở Mỹ rơi xuống nhà dân/ Palestine khai quật mộ cố tổng thống Arafat/ Doanh nghiệp Nhật thiệt hại 10 tỷ yên do biểu tình ở Trung Quốc... là những tin tức đáng chú ý chiều ngày hôm nay.
Hà Nội: Bệnh nhân chết lâm sàng, người nhà bao vây bệnh viện
Quay lại bệnh viện Đa khoa Hà Nội tái khám sau khi mổ thanh quản gần 10 ngày, bà Tưởng được các bác sỹ điều trị, song không hiểu vì lý do gì đã bị chết lâm sàng. Cho rằng bệnh viện vô trách nhiệm, người nhà bà Tưởng đã quây kín bệnh viện.
Nhiều người nhà bệnh nhân Tưởng kéo đến trước cổng BVĐK Hà Nội.
Sáng nay 14/11, rất đông người nhà bệnh nhân Trần Thị Tưởng (SN 1961, quê ở Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã quây kín trước cổng Bệnh viện Đa khoa Hà Nội (29 Hàn Thuyên) vì cho rằng bệnh viện vô trách nhiệm, để bệnh nhân rơi vào tình trạng chết lâm sàng.
Trước cổng bệnh viện, người nhà bệnh nhân Tưởng treo băng-rôn ghi dòng chữ: “Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An vô trách nhiệm, mổ thanh quản làm chết người”. Cùng với đó, nhiều ảnh bệnh nhân Tưởng đang sống thực vật được dán ngay cổng.
Nói trong bức xúc, chị Trần Thị Hồng (SN 1985), con gái bà Tưởng, cho biết, ngày 30/10, chị đưa mẹ đến khám tại BVĐK Hà Nội vì mẹ chị thấy khó chịu và ngứa ở cổ. Người trực tiếp thăm khám cho bà Tưởng là bác sỹ Nguyễn Thị Hoài An. Sau khi khám, chẩn đoán, bác sỹ An đã mổ cho bà Tưởng.
“Gần chục ngày sau, mẹ tôi thấy đau rát cổ. Gọi điện cho bác sỹ An thì bác sỹ An bảo mẹ tôi đến khám lại.” - chị Hồng cho hay.
Theo chị Hồng, khoảng 9h sáng ngày 8/11, chị Hồng đưa mẹ đến khám. Bác sỹ cho biết trong cổ bà Tưởng có một nang nước nhưng không đáng lo ngại, sẽ tiến hành xử lý được.
“Đợi ở ngoài lâu quá không thấy mẹ ra, 14h30, tôi vào trong nhòm thì các bác sỹ đóng cửa, yêu cầu tôi ra ngoài. Đến 17h, một bác sỹ nữ đi ra, nói là mẹ tôi bị lên cơn co giật. Tôi gọi điện hỏi bác sỹ An, bác sĩ An bảo là khi vừa xịt thuốc gây tê thì mẹ tôi đã co thắt.” - chị Hồng kể lại.
Bác sỹ An bảo chị Hồng đợi thêm nửa tiếng. Tuy nhiên, hơn 1 tiếng đồng hồ sau vẫn không thấy tiến chuyển gì, chị Hồng đã gọi người nhà lên.
Lúc này, bác sĩ An mời 2 bố con chị Hồng lên phòng gặp Giám đốc Bệnh viện và BS chuyên khoa tên Sơn. Phía bệnh viện cũng chỉ giải thích là bị lên cơn co thắt. Trong khoảng thời gian này, chị Hồng cũng không biết mẹ mình sống chết ra sao. Sau một hồi bàn bạc, đến 22h30, chị Hồng cùng gia đình quyết định xin đưa bà Tưởng sang Bệnh viện Việt - Đức.
“Lúc đưa sang, mẹ tôi vẫn lên cơn co giật rất mạnh, nước mắt liên tục trào ra” - chị Hồng bức xúc cho biết - “Đến khi đưa sang Bệnh viện Việt - Đức, các bác sỹ chẩn đoán tim mẹ tôi ngừng đập sau khi mổ, trạng thái chết lâm sàng”.
Sau 6 ngày điều trị, hiện bà Tưởng vẫn đang nằm hôn mê, chết lâm sàng tại Bệnh viện Việt - Đức. Bức xúc, sáng 14/11, nhiều người nhà bà Tưởng đã kéo đến bao vây bệnh viện đa khoa Hà Nội, đòi bệnh viện phải giải thích rõ ràng.
Đến khoảng 10h30 ngày 14/11, lãnh đạo BVĐK Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện người nhà bệnh nhân Tưởng. Theo chị Hồng, tại buổi làm việc, Giám đốc chuyên môn của bệnh viện tên Sơn và Giám đốc điều hành tên Minh khẳng định bệnh viện sẽ có trách nhiệm với gia đình, song hiện tại chưa thể nói là bệnh viện sai.
Đồng thời tại buổi làm việc này, phía bệnh viện cũng khẳng định sẽ hỗ trợ gia đình chi phí điều trị của bệnh nhân Tưởng, song chỉ là hỗ trợ trên phương diện tình cảm con người với con người, còn việc đúng sai phải chờ cơ quan chức năng kết luận.
(Nguồn Dân trí)
Bộ Tài chính cân nhắc giảm phí trước bạ ôtô cũ
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng phí trước bạ đối với xe ôtô cũ đang ở mức cao nên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu điều chỉnh giảm.
Trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết đang chỉ đạo các vụ cục chức năng rà soát lại biểu phí trước bạ theo hướng điều chỉnh giảm.
Theo Bộ trưởng Tài chính, mức phí trước bạ với ôtô hiện nay "hơi cao". Sau khi rà soát lại, Bộ Tài chính sẽ sớm có câu trả lời về mức giảm là bao nhiêu cũng như lộ trình thực hiện.
Hiện nay, phí trước bạ khi kê khai từ lần thứ 2 trở đi đối với ôtô không khác so với mức phí kê khai lần đầu, được tính ở mức 10 đến 12% tùy tỉnh thành. Trước đó, nhiều ý kiến cũng từng cho rằng phí này tương đối cao. Đơn cử như Tổng cục Cảnh sát mới đây gửi đề xuất giảm mức phí trên xuống thấp nhất có thể, thậm chí về mức 1%.
Riêng với xe máy cũ, phí trước bạ được quy định thấp hơn nhiều so với xe mới (chỉ 1%), vì vậy Bộ trưởng Huệ cho biết không cần thiết phải điều chỉnh thêm. Theo ông, những chiếc xe máy cũ giá trị cũng đã giảm nhiều, nên phí trước bạ 1% trên tổng giá trị xe không đáng kể.
(Nguồn VnExpress)
Thông xe cầu vượt lắp ghép lớn nhất Hà Nội
Sáng nay 14-11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã chính thức thông xe cầu vượt lắp ghép lớn nhất thành phố tại nút giao đường Lê Văn Lương - Láng Hạ.
 |
Xe qua cầu ngày thông xe - Ảnh: Lâm Hoài |
Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, từ nay ôtô con, xe máy, xe buýt chạy theo hướng đường Lê Văn Lương - Láng Hạ và ngược lại sẽ được ưu tiên đi trên cầu vượt.
Các xe từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy và ngược lại sẽ đi theo đèn tín hiệu, biển báo tại nút. Riêng xe tải, xe chuyên dùng, xe thô sơ, người đi bộ không đi lên cầu vượt.
Cầu vượt hoạt động đã có tác dụng giảm ùn tắc rõ rệt, theo ghi nhận trong giờ cao điểm sáng nay, giao thông ở nút này khá thông thoáng, không bị ùn tắc như mọi ngày.
Cầu vượt kết cấu thép này được khởi công từ tháng 5-2012, có chiều dài 315,5m, rộng 9m, thiết kế gồm hai làn xe cho mỗi chiều đi. Tổng mức đầu tư công trình hơn 205 tỉ đồng.
Đây là cầu vượt lắp ghép thứ 4 được khởi công và là cầu vượt thứ 3 được đưa vào sử dụng trên toàn thành phố.
Trước đó, cầu vượt nút Tây Sơn - Thái Hà, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng đã thông xe, ngoài ra cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Láng đang gấp rút hoàn thiện để thông xe trong thời gian tới.
(Nguồn Tuổi trẻ)
Báo động 1/3 thịt tươi sống nhiễm khuẩn gây bệnh thương hàn
Thống kê mới nhất từ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM cho thấy, thịt động vật tươi sống bày bán tại các chợ tại TPHCM bị nhiễm khuẩn salmonella tới 32,26%.
Con số này rất đáng báo động vì trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều điểm giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Giết mổ nhỏ tự phát
Khảo sát sơ bộ tại một số các chợ lẻ, chợ tạm trên địa bàn TPHCM thấy nhiều điểm giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ. Hầu như chợ nào cũng có 1 - 2 điểm, đa số là người bán gà, vịt kiêm luôn giết mổ tại chỗ khi khách có nhu cầu.
Ông Trần Văn Bình, chủ đại lý hàng khô tại một chợ tạm, quận 12, TPHCM cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh gạo, hàng khô, đồng thời mua gà ta sống về bán lẻ. Người mua muốn làm thịt gà luôn tại chợ tôi thu thêm tiền công 5.000đ/con. Đại lý nhà tôi chỉ là điểm giết mổ hình nhỏ lẻ, kết hợp bán hàng hóa nên không đăng ký kinh doanh”. Tại khu giết mổ đặt phía sau nhà kín đáo, chủ nhà đề hàng chữ trên cửa: “Không phận sự miễn vào”. Chúng tôi đã tiếp cận khu vực này và ghi nhận cảnh tưởng, gà sau khi nhổ sạch lông được cho vào chung chậu nước rửa lòng mề gà đầy phân sống.
Tới một địa điểm giết mổ nhỏ lẻ khác tại chợ Gò Vấp, chủ cơ sở cho người mua gà được vào xem khu vực giết mổ bề bộn (khoảng 4 - 5m2) vừa làm nơi nhốt gà sống vừa mổ giết luôn. Chất thải sau giết mổ vứt tứ tung, bốc mùi hôi thối. Anh Đức chủ cơ sở cho biết, ngày lễ, Tết, anh giết mổ hàng trăm con gà, vịt/ngày.
Riêng đối với các điểm giết mổ heo, bò, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Tuy nhiên, tình trạng giết mổ heo lậu vẫn diễn ra tại một số địa bàn vùng ven nhất là quận Bình Chánh... Tại các cơ sở giết mổ heo lậu, thịt heo được mổ xẻ ngay cạnh chuồng heo và được bày tràn ra nền xi măng lẫn lộn với phân heo, đất cát...
Heo được mổ ngay bên nền xi măng lẫn lộn với phân, đất cát...
Nhiễm khuẩn kháng kháng sinh cao
Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện paster TPHCM đã thực tế lấy ngẫu nhiên 1.150 mẫu thực phẩm thịt heo, gà, bò tươi sống tại các chợ trên địa bàn TPHCM để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, 385 mẫu thịt nhiễm khuẩn salmonella. Trong đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn salmonella trong thịt heo cao nhất chiếm 39,20% (98/250 mẫu), thịt gà chiếm 35,17% (211/600 mẫu), thịt bò 30,80% (77/250 mẫu). Tính trung bình, tỷ lệ thịt động vật tươi sống bày bán tại các chợ nhiễm khuẩn salmonella chiếm tới 32,26%.
Theo bà Phẩm Minh Thu, Trưởng Phòng Kiểm nghiệm Hóa lý Vi sinh, Viện Pasteur TPHCM, khuẩn salmonella là tác nhân chính gây bệnh thương hàn, tiêu chảy cho người và động vật. Khuẩn này lây qua đường ăn uống. Nó chỉ chết khi đun ở nhiệt độ 100oC trong 10 phút.
Khuẩn salmonella không chỉ có trong thực phẩm tươi sống không đảm bảo vệ sinh mà còn có trong rau củ héo, úa. Điều nguy hiểm là sự gia tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh salmonella, trong khi đó hiện nay do việc lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc sử dụng thuốc không hợp lý nên đã dẫn tới tồn dư kháng sinh trong cơ thể nên con người sẽ dễ dàng bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc này qua thực phẩm.
Bà Phẩm Minh Thu cho biết thêm, số liệu xét nghiệm cho thấy, các mẫu thịt tươi sống không đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do nhiễm khuẩn salmonella khá cao. So với những năm trước đây thì không có chiều hướng giảm.
Nghiên cứu gần đây của Viện Thú y Hà Nội cũng cho thấy, 28/85 mẫu thịt gà (34,11%) nhiễm khuẩn salmonella. Điều này cho thấy, thực trạng của việc sản xuất thực phẩm tươi sống của nước ta trong những năm qua chưa có cải thiện và nguy hiểm hơn là khuẩn salmonella đã kháng thuốc kháng sinh.
Viện Pasteur TPHCM đã phân lập được 437 chủng salmonella từ thịt bò, heo, gà tươi sống. Các chủng này đã được xác định kháng kháng sinh. Trong đó có ít nhất 61 chủng salmonella đa kháng, kháng ít nhất 5 loại kháng sinh thường dùng trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm gây ra và kháng ít nhất 2 kháng sinh cephalosporin phổ rộng như cefoxitin…
(Nguồn Kiến thức)
Thanh Hóa: Nữ sinh bị đánh, xé áo trước mặt mọi người
Trong lúc đang cùng bạn đi học về, nữ sinh L. T. B (học sinh lớp 10C, Trường THPT Lê Văn Linh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) bị một nhóm nữ sinh khác gọi lại và xông vào đánh tơi bời. Chưa dừng lại, nhóm nữ sinh này còn xé áo của B. trước mặt mọi người.
Qua nội dung từ đoạn clip xuất hiện trên mạng Internet cho thấy, nhóm nữ sinh rất hung hăng, vừa cười vừa túm tóc và liên tục tát vào mặt, dùng gối thúc và đánh tới tấp vào người em B. Chưa dừng lại ở đó, nhóm nữ sinh này còn xé áo em B. Điều đáng nói là có rất nhiều học sinh khác đứng bên ngoài hò reo, cổ vũ cho nhóm nữ sinh này đánh bạn.
Theo tường trình của em L. T. B, vào chiều thứ 5, ngày 8/11/2012, sau khi tan học môn tiếng Anh, B. đèo một bạn học lớp 10B ra về bằng xe đạp. Khi mới đi đến cổng trường Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Thọ Xuân thì B. bị mấy học sinh khác gọi lại.
Nhóm nữ sinh vừa đánh bạn vừa cười.
Chưa hiểu chuyện gì, B. quay xe lại. Khi vừa thấy B., nhóm nữ sinh này liền hỏi: “Học lớp mấy, người ở đâu”. B. vừa dứt lời thì bị một học sinh mặc áo phông màu trắng, cùng 2 học sinh khác xông đến tát liên tục vào mặt, giật tóc, dùng gối thúc vào bụng…
Dừng lại một lúc, nhưng khi nghe một số học sinh đứng bên ngoài hò hét, nhóm nữ sinh này liền quay lại xé áo của B., sau đó bỏ đi.
Sau khi vụ việc xảy ra, vì sợ tiếp tục bị đánh nên B. không dám đến trường. Mãi 2 ngày sau đó, B. đến trường thì nghe các bạn kể lại, mấy học sinh khóa trên đánh mình hôm đó một người tên Huệ, học trường bổ túc văn hóa nhưng đã nghỉ học, một người tên là Lê Thị Thương, học lớp 11A1, Trung tâm giáo dục thường xuyên, còn một người nữa thì B. không nhận ra.
Không chỉ đánh, nhóm nữ sinh còn xé cả áo của em B.
Theo một số người chứng sự việc kể lại, vào thời điểm trên, nghe tiếng học sinh hò hét, mọi người chạy ra xem, thấy có 3 cô gái đang tập trung đánh một em học sinh khác. Do lúc đó là giờ tan trường, có rất nhiều học sinh tập trung, nhiều người đi qua đứng lại xem làm chật kín cả một đoạn đường. Mặc dù một số người đã vào can ngăn, nhưng 3 em học sinh vẫn hung dữ lao vào đánh bạn.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc Trung tâm giáo thường xuyên huyện Thọ Xuân cho biết: “Sự việc xảy ra sau giờ học nên chúng tôi cũng không biết, mãi khi có Công an đến làm việc thì chúng tôi mới biết. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết em đánh em B. là Lê Thị Thương (sinh năm 1996), học lớp 11A1, xã Xuân Thắng. Ngày lớp 10, Thương là học sinh có kết quả học lực trung bình, hạnh kiểm tốt. Lên lớp 11 bắt đầu quan hệ rộng với các đối tượng bên ngoài. Sau khi clip đánh nhau được đưa lên mạng, Công an huyện Thọ Xuân đã vào cuộc, hiện tại bây giờ hồ sơ của các em đã chuyển hết sang phía công an. Chúng tôi đang chờ kết luận cuối cùng đề có hướng xử lý. Hiện tại, em Thương cũng đã không đến trường học mấy hôm nay”.
Ông Đỗ Văn Thọ - hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Linh cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã họp giáo viên toàn trường quán triệt để các em không bàn tán, gây áp lực tâm lý cho em B. Nhà trường đã động viên em tiếp tục đi học bình thường. Hiện, sự việc đã được công an vào cuộc xác minh. Chúng tôi đề nghị phía công an xử lý nghiêm đối với những học sinh trên đã tham gia đánh em B. để làm gương cho những học sinh khác”.
Về phía gia đình em B., sau khi vụ việc xảy ra, gia đình đã làm đơn gửi lên công an huyện Thọ Xuân đề nghị xác minh, xử lý các đối tượng đã hành hung em B.
Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an huyện Thọ Xuân tiến hành xác minh, làm rõ.
(Nguồn Dân trí)
Máy bay ở Mỹ rơi xuống nhà dân
Ít nhất 3 người chết và một người bị thương khi một máy bay cỡ nhỏ đâm xuống một nhà dân ở khu vực Jackson, bang Mississippi của Mỹ đêm 13/11.

Lửa và khói bốc lên từ ngôi nhà sau khi bị máy bay rơi xuống ở khu Jackson.
“Chiếc máy bay một động cơ Piper PA-32 vừa cất cánh từ sân bay Hawkins để đến Raymond, cũng ở bang này, thì bị rơi, khiến cả ba người trên máy bay thiệt mạng”, một quan chức địa phương cho biết. Một người trong ngôi nhà đã kịp chạy thoát ra ngoài và chỉ bị thương nhẹ.
Một cảnh sát làm nhiệm vụ gần đó cho biết anh nhìn thấy chiếc máy bay rơi xuống và phát ra những tiếng động như bị hết nhiên liệu.
Khi máy bay đâm xuống ngôi nhà của một hộ gia đình đã gây ra một đám cháy lớn và cột khói đen bốc cao tới 15m.
Một nhân viên cứu hỏa cho biết một người bị thương nhẹ thoát ra ngoài, song hiện vẫn chưa rõ liệu còn ai bên trong không. Người này được ngay lập tức đưa đến Trường Đại học Trung tâm y tế Mississippi và hiện trong tình trạng sức khỏe tốt.
Chủ sở hữu chiếc máy bay là Roger và Michele Latham, đều đã có mặt tại hiện trường.
(Nguồn Dân trí)
Palestine khai quật mộ cố tổng thống Arafat
Các nhà chức trách Palestine hôm 13-11 bắt đầu khai quật thi hài của cố tổng thống Yasser Arafat để tiến hành giám định và điều tra về nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của nhà lãnh đạo này vào năm 2004.
Một nguồn tin thân cận với gia đình ông Arafat cho biết: “Bê tông và đá từ lăng mộ nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat tại thành phố Ramallah ở khu bờ Tây bắt đầu được dỡ bỏ. Quá trình khai quật gồm nhiều công đoạn và dự kiến hoàn thành sau 15 ngày kể từ khi khai quật”.
Nguồn tin tiết lộ thêm một nhóm điều tra gồm các chuyên gia Pháp, Nga và Thụy Sĩ sẽ bắt đầu lấy mẫu giám định sau khi phái đoàn đến Palestine vào ngày 26-11.
Một cô bé đến viếng lăng mộ cố tổng thống Yasser Arafat hôm 10-11 (Ảnh: REUTERS)
Sau khi ông Arafat qua đời tại một bệnh viện quân sự gần Paris – Pháp, các cuộc khám nghiệm tử thi được tiến hành nhưng không thể xác định được nguyên nhân gây ra cái chết của nhà lãnh đạo này. Nhiều nguồn tin cho rằng cái chết của Tổng thống Arafat có liên quan tới Israel.
Nghi vấn này thực sự thổi bùng lên tranh cãi, buộc các nhà chức trách Pháp phải mở lại điều tra dẫn đến cái chết của nhà lãnh đạo Palestine vào tháng 8, nhất là sau khi kênh truyền hình Al-Jazeera phát sóng cuộc điều tra của các chuyên gia Thụy Sĩ. Theo đó, các nhà khoa học này phát hiện nồng độ cao phóng xạ polonium trên các vật dụng cá nhân của ông Arafat.
Cuối tuần trước, Tổng thống Palestine đương nhiệm Mahmud Abbas tuyên bố phía Nga sẽ cử chuyên gia tới hỗ trợ điều tra cái chết gây tranh cãi của ông Arafat. Tuy nhiên, phía Palestine không công bố chính xác vai trò của phái đoàn Nga trong lần khai quật này.
(Nguồn Người lao động)
Doanh nghiệp Nhật thiệt hại 10 tỷ yên do biểu tình ở Trung Quốc
Các doanh nghiệp Nhật Bản bị thiệt hại tới 10 tỷ yên (khoảng 126 triệu USD) do làn sóng biểu tình chống Nhật diễn ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, phúc trình của chính phủ Nhật Bản cho biết.
Một người biểu tình Trung Quốc đập phá một xe ô tô của Nhật Bản trên đường phố Bắc Kinh.
Theo phúc trình được công bố sau phiên họp nội các sáng 13/11, con số này được tính dựa trên những thiệt hại trực tiếp do hành vi đập phá của người biểu tình và thiệt hại gián tiếp do giảm sản lượng tiêu thụ hàng hóa vì hành vi tẩy chay hàng Nhật của người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng điện tử và ô tô.
"Tổng mức thiệt hại dao động từ vài tỷ đến 10 tỷ yên", một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác nhận, nhưng cũng cho biết con số này mới chỉ là đánh giá ước tính ban đầu.
Bản phúc đáp được soạn theo yêu cầu chất vấn của Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập Taro Kimura và dựa trên kết quả cuộc họp đánh giá thiệt hại có sự tham gia của đại diện hàng chục công ty bị ảnh hưởng từ làn sóng chống Nhật ở Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát mạnh tại nhiều thành phố ở Trung Quốc hồi tháng 9 sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông được Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Những người biểu tình đập phá nhiều siêu thị, nhà máy, cửa hiệu của người Nhật Bản, đồng thời đốt phá xe ô tô có xuất xứ từ “sứ sở Mặt trời mọc” đang lưu thông trên đường.
Chuỗi siêu thị Heiwado của Nhật Bản là đơn vị chịu thiệt hại nặng nhất với con số thua lỗ lên tới 1,8 tỷ yên, một phần do phải ngừng hoạt động trong một tháng rưỡi.
Tập đoàn Aeon cũng bị mất tới 700 triệu yên vì sụt giảm sản lượng hàng hóa bán ra.
Trong khi đó hãng sản xuất ô tô Toyota thông báo giảm khoảng 200.000 đầu xe bán tại Trung Quốc trong quý II của năm tài chính 2012-2013. Hãng này cũng cho biết doanh thu sẽ bị "bốc hơi" khoảng 30 tỷ yên do giảm mạnh sức mua từ thị trường Trung Quốc trong nhiều năm.
Tình hình với hãng Honda và Nissan cũng không sáng sủa gì hơn khi cả hai đều phải thông báo cắt giảm sản lượng xe bán tại Trung Quốc. Honda cho biết sẽ giảm sản lượng tiêu thụ xuống còn 620.000 xe từ 750.000 xe dự kiến trước đó. Nissan giảm từ 1,35 triệu xe xuống còn 1,18 triệu.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc có những biện pháp thích hợp, công bằng bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho công dân Nhật Bản tại Trung Quốc, đồng thời bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp Nhật Bản theo luật pháp sở tại.
(Nguồn Dân trí)
Tổng hợp