Ăn uống như thế nào để “hạ hỏa”?
Thứ ba - 25/12/2012 16:35
Thức ăn, thức uống đều có liên quan đến sự nóng, lạnh hay cân bằng trong cơ thể của mỗi người. Vậy, trong trường hợp “nóng trong người” vì chuyện ăn uống thì cần giải quyết như thế nào cho hợp lý.
Nhưng trước khi muốn giải quyết chuyện “nóng trong người”, cần phải hiểu những nguyên nhân liên quan đến “đường ăn uống” gây nên nội nhiệt trong cơ thể.
Thực phẩm làm “nóng trong người”
Y học cổ truyền cho rằng, cơ thể bạn bị “hỏa công” là do chức năng điều hòa của lục phủ ngũ tạng có vấn đề. Mà một trong những nguyên nhân “gây rối” các tạng, phủ là do thực phẩm.
Ăn nhiều đồ cay, chất béo, chất ngọt dễ làm cho cơ thể bị sinh nhiệt. Y học hiện đại cũng chứng minh các thực phẩm chứa nhiều năng lượng như chất béo, và các loại thực phẩm cay, nồng, mặn, ngọt đều có thể làm cho cơ thể sinh nhiệt. Chẳng hạn ăn các món chiên xào như gà rán, vịt quay, khoai tây chiên, mì xào giòn… làm cho dạ dày khó tiêu hóa, cơ thể người sử dụng khó chịu và tạo nhiệt hơn. Còn các gia vị như tiêu, ớt, riềng, hành Tây, quế, hồi…cũng làm nóng cơ thể.
Đặc biệt, trong trường hợp ăn uống các chất sinh nhiệt kể trên trong lúc thời tiết nóng bức thì sẽ làm gia tăng nhiệt trong cơ thể. Cảm giác chướng bụng, chán ăn uống, mệt mỏi có thể vì bạn lạm dụng chất béo quá nhiều trong khi trời nóng. Thói quen ăn nhiều đồ ngọt trong mùa nóng chẳng làm bạn dễ chịu hơn, ngược lại, nó làm tăng đường huyết dễ gây ra các bệnh về da như sưng phù, nhọt, mụn, hoặc có thể phá vỡ sự cân bằng kiềm acid trong huyết dịch.
Trong khi đó, những thức ăn quá mặn cũng ít nhiều liên quan đến việc “nóng trong người” của người sử dụng. Các biểu hiện khác thường của cơ thể khi ăn quá mặn như tim đập nhanh hơn, cảm giác khát nước, lo lắng, cáu gắt… Đặc biệt thận sẽ bị “áp lực” nhiều hơn, ngăn chặn quá trình đào thải natri ra bên ngoài, làm huyết áp tăng cao, rối loạn protein…
Để phòng, chống lại cái nóng không mong muốn do thực phẩm nói một cách ngắn gọn và đơn giản là hạn chế ăn, uống những loại thực phẩm chứa các chất kể trên. Đồng thời tăng cường nhiều thực phẩm “mát” đó là thực phẩm ít năng lượng, nhiều nước, giàu chất xơ, muối khoáng, vitamin. Y học cổ truyền quan niệm những loại thực phẩm “âm tính” sẽ có khả năng thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết. Rất nhiều thực phẩm “âm tính” như rau củ, quả, thảo mộc được sử dụng để cân bằng âm dương hoặc “hạ hỏa” cho cơ thể.
Dùng thủy trị hỏa
Đó là một phương pháp “kinh điển”. Dĩ nhiên không phải loại nước nào cũng “đặc hiệu” cho việc làm hạ hỏa cho cơ thể. Trước tiên không thể coi thường loại nước lọc, hoặc nước suối. Cơ thể thiếu loại nước này thì quá trình lưu thông khí huyết, quá trình đồng hóa, dị hóa khó khăn. Đây là lý do làm cho cơ thể sinh nhiệt và gặp các rắc rối.
Tiếp đến là nước trà xanh, một loại thức uống tuyệt vời để giải khát, giải nhiệt và rất ích lợi cho sức khỏe. Nếu lỡ nạp các chất béo, chất ngọt nhiều làm cơ thể bạn “phì nhiêu” thì trà cũng có khả năng đánh tan mỡ thừa.
Nước chanh không những là một loại nước uống giải nhiệt thể mà nó còn giúp làm sạch những chất còn tồn đọng không mong muốn trong cơ thể. Vitamin C trong nước chanh có tác dụng tốt để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Những người hay bị rối loạn tiêu hóa, chán ăn mệt mỏi, họng khô miệng khát, dùng nước chanh là “đúng bài”.
Sữa đậu nành là món quà quý của thiên nhiên ban tặng. Loại nước uống tuy rẻ tiền nhưng vô cùng bổ dưỡng, lại giúp có thể làm giảm béo. Trong đậu nành có các chất xúc tác việc “đốt” các tế bào mỡ tan biến. Sữa đậu nành cũng giúp bài trừ độc tố hiệu quả.
Nước rau má dân dã, “chân quê” nhưng lại có phẩm chất cao trong việc làm cho cơ thể hạ hỏa nhanh chóng. Các hoạt chất trong rau má theo Đông y là có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu.
Xung quanh ta còn có rất nhiều loại nước có thể nói là dùng thủy trị hỏa được, tuy nhiên, đừng quên các loại nước uống được chế biến từ thảo mộc. Trải qua hàng ngàn năm con người đã chắt lọc nên những loại thảo mộc tốt nhất có thể chế biến thành thức uống tốt hỗ trợ cho quá trình đồng hóa, dị hóa của cơ thể. Có thể kể tên một số các loại thảo mộc đó như kim ngân hoa, la hán quả, hạ khô thảo, đản hoa, cúc hoa, bung lai, tiên thảo, cam thảo, hoa mộc miên.
Tác giả bài viết: Theo Thanh Tra