Lê Hữu Trác xuất thân trong một gia đình dòng dõi có truyền thống học rộng, tài cao nhiều người đỗ đạt và làm quan to nhưng trọng đạo lý. Thời niên thiếu ông chịu ảnh hưởng sâu sắc về mọi mặt của gia đình dòng họ, được gần gũi với những người lao động nghèo khổ ở nông thôn. Lớn lên khi ra Thăng Long nơi tập trung các bậc danh nhân như: Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương được tiếp thu những tinh hoa văn hoá dân tộc đương thời đó là những điều kiện hình thành nhân cách và tư tưởng đầu tiên của Lê Hữu Trác.Ông là người có tư chất thông minh nhưng về khoa cử ông chỉ đậu đến Tam trường rồi không tiếp tục đi thi nữa mà sau đó sung vào quân đội của Chúa Trịnh. Năm 1746 lấy cớ anh ruột mất ông bỏ quân ngũ về quê ngoại ở xã Tình Diệm huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây ông đã dày công nghiên cứu sách kinh điển y học và giao thiệp với những lương y trong vùng để trao đổi kinh nghiệm tìm kiếm dược liệu địa phương. Vừa học sâu lý luận vừa trị bệnh cứu người, chẳng bao lâu mà tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Suốt 45 năm làm nghề thầy thuốc hết lòng vì người bệnh ông đã đúc kết để viết bộ “Y Tông Tâm lĩnh” gồm 66 quyển, đây là công trình khoa học đồ sộ đúc kết và phát huy tinh hoa truyền thống y học dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, nhờ sự cố gắng phi thường của Lê Hữu Trác đã có một trước tác y học lớn, có hệ thống phong phú sâu rộng, có giá trị cao cả về lý thuyết và thực hành, bao gồm nhiều vấn đề cơ bản về tư tưởng đạo đức lý luận y học, dược học bệnh học, tổng kết bệnh án về nội khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, cấp cứu và các bệnh ngũ quan và hàng ngàn vị thuốc, hàng ngàn phương thuốc, được sưu tầm chọn lọc hoặc sáng chế. Vì vậy bộ sách được coi là bách khoa toàn thư về y học.
Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ tác phẩm “Thượng Kinh ký sự” có giá trị lớn về văn học và sử học kể lại cuộc hành trình ra Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán năm 1782, tác phẩm được viết dưới một cảm hứng chủ đạo là tinh thần thoái thác công danh. Trong tác phẩm “ Thượng Kinh ký sự” và trong bộ “Tâm lĩnh”có trên 40 bài thơ, ngoài ra “Tâm lĩnh” còn có một quyển là “ Y lý thâu nhân lý ngôn phụ chí” gồm 29 bài thơ. Trên bảy chục bài thơ tuy không nhiều, thơ ông viết ra cũng như những bài ngẫu hứng khi đi chữa bệnh là những hạt ngọc quý trong nền thơ ca trung đại của dân tộc Việt Nam.
Cuộc đời của danh y Lê Hữu Trác có nhiều cống hiến to lớn cho nền y học cổ truyền dân tộc, ông còn là một nhà thơ, nhà văn có bút pháp trữ tình hiện thực, trở thành một tấm gương sáng về sự say mê nghề nghiệp và nhân cách lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam noi theo.